Sưu tầm

DỌC ĐƯỜNG SƯU TẦM HIỆN VẬT CÁCH MẠNG

Ngày đăng: 15:07 | 07/01 Lượt xem: 1310

Bảo tàng Quảng Nam là bảo tàng tổng hợp, đối tượng sưu tầm khá đa dạng. Một trong những  nhiệm vụ quan trọng của bảo tàng là nghiên cứu sưu tầm hiện vật, bởi có sưu tầm hiện vật thì mới có kiểm kê bảo quản và trưng bày tuyên truyền phục vụ công chúng. Sưu tầm hiện vật như là cuộc kiếm tìm chọn lựa vật liệu để xây nhịp cầu tri thức nối quá khứ và hiện tại.

Phù hiệu được nhân dân ta trong thời kháng chiến chống Mỹ
Phù hiệu được nhân dân ta sử dụng trong thời kháng chiến chống Mỹ

   Về cơ bản, công tác nghiên cứu sưu tầm của bảo tàng hiện nay đã được phân công cán bộ theo từng mảng: Cách mạng; ngành nghề truyền thống; văn hóa các dân tộc; khảo cổ học...Tuy nhiên, do cán bộ ít lại còn chức năng trưng bày nên nhiều khi cán bộ được phân công hỗ trợ qua lại trong quá trình sưu tầm và trưng bày.

Thời gian qua, tôi được tham gia sưu tầm hiện vật ở một số mảng, nhìn chung mỗi mảng đều có những thuận lợi và khó khăn nhất định. Nhưng riêng với mảng sưu tầm hiện vật cách mạng để lại cho tôi nhiều cung bậc cảm xúc nhất.

Trên cơ sở nhiệm vụ được phân công, nghiên cứu các tài liệu lịch sử có liên quan đến các địa bàn diễn ra các trận đánh lớn, ác liệt để xác định địa điểm và đối tượng sưu tầm, sau đó lập kế hoạch chi tiết trình lãnh đạo phê duyệt để tiến hành sưu tầm. Trong quá trình sưu tầm, dựa trên những quy định về công tác chuyên môn nghiệp vụ bảo tàng, một số quy định tại Quy chế Kiểm kê hiện vật bảo tàng năm 2006; Thông tư 18/2010/TT-BVHTTDL quy định về tổ chức và hoạt động của bảo tàng do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành; Thông tư số 11/2013 /TT-BVHTTDL ngày 16 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về sưu tầm hiện vật của bảo tàng công lập của Bộ Văn hóa-Thông tin và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và một số quy định của bảo tàng để hoàn thiện hồ sơ pháp lý (biên bản giao nhận hiện vật có xác nhận của chính quyền địa phương) và hồ sơ sưu tầm (Lý lịch hiện vật, bản ghi chuyện kể…) để đưa hiện vật về kho bảo tàng đảm bảo khoa học và chất lượng.

Động tác đầu tiên của một đợt sưu tầm là phải đến làm việc với chính quyền địa phương để báo cáo nội dung đợt công tác và đề nghị tạo điều kiện giúp đỡ cung cấp thông tin về những sự kiện, nhân chứng và những người bám trụ ở địa bàn để tiến hành sưu tầm tư liệu, hiện vật. Trong quá trình sưu tầm nếu gặp sự cố gì hoặc khi làm hồ sơ pháp lý cho hiện vật sẽ nhận được sự can thiệp và hợp tác của chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, để tiếp cận nhân chứng là điều không phải lúc nào cũng thuận lợi, vì khi đến nơi thì cũng là lúc nhân chứng bắt đầu công việc cho một ngày mới nên ít gặp được. Có gặp chăng là những vị cao tuổi. Vậy nên, phải đợi đến cuối ngày, đến đêm mới gặp để đặt vấn đề sưu tầm hiện vật. Gặp được nhân chứng, có người xem cán bộ như là tri kỷ, bao nhiêu ký ức trong thời chiến gặp mạch cảm xúc cứ tuôn trào như thể không ngăn được nên bao nhiêu tư liệu hiện vật bấy lâu lưu giữ họ mang ra hiến tặng. Đôi khi còn giới thiệu nhiều địa chỉ khác để đi sưu tầm. Nhưng cũng gặp trường hợp lúc đầu thống nhất bàn giao tư liệu hiện vật, đến khi làm thủ tục nhận thì lại đổi ý vì sự tác động của con cháu. Lại có người khi hỏi đến chủ đề chiến tranh cách mạng họ lại tưởng cán bộ đi làm chế độ chính sách cho nên kể đủ thứ và nhờ giúp đỡ. Có trường hợp bàn giao hiện vật cho bảo tàng một thời gian thì con cháu đến xin lại với lý do là khi giao hiện vât cho bảo tàng chưa xin ý kiến họ. Có lúc cá nhân đã đồng ý hiến tặng hiện vật rồi nhưng khi đến xã để làm thủ tục pháp lý cho hiện vật thì lại không được vì huyện đang có chủ trương lập phòng truyền thống nên giữ hiện vật lại trưng bày….

Thế hệ chúng tôi, những người sinh ra khi đất mước đã hòa bình, chỉ biết được một phần nào cuộc kháng chiến “thần thánh” của dân tộc qua sách vở và lời kể của ông bà, cha mẹ... Tôi may mắn được tiếp xúc với các vị lão thành cách mạng ở tuổi xưa nay hiếm. Thế nhưng, mỗi lần gặp hỏi về chiến tranh, mắt họ như bừng sáng và kể vanh vách từng chi tiết về cuộc chiến làm tôi như cảm nhận được “lửa cách mạng” vẫn âm ỉ cháy trong họ. Và chính ngọn lửa ấy đã lan tỏa và truyền cho thế hệ chúng tôi về tình yêu Tổ quốc, khơi gợi lòng tự hào về truyền thống đấu tranh cách mạng của dân tộc.

Có lần về xã Tam Giang (Núi Thành) gặp ông Nguyễn Tráng, lửa cách mạng như được truyền cho tôi bằng những câu thơ nằm lòng trong ông.

 “Các đồng chí hãy kiên tâm chiến đấu

Lửa gian lao nung nấu chí căm hờn
Chân lý cách mạng sáng tỏ như trăng rằm
... Ở đây gian khổ tạm thời
Ngoài kia là cả bầu trời tự do
Tự do đó không ai cho cả
Mà phải tự mình sắt đá đấu tranh
... Bây giờ mới thỏa chí ta
Niềm vui thắng lợi chan hòa với non sông”.

      Hay khi đến xã Bình Đào (Thăng Bình), ông Cao Hữu Phước lại đúc kết nên những vần thơ đầy lạc quan và tự hào về cuộc đời làm lính công binh, chuyên làm mìn tự tạo để đánh Mỹ:

  “Mỹ thường khoe xe bọc thép, công sự an toàn

Chúng múa mép, ba hoa, ngang nhiên chà ruộng, chà nhà
... Ô hô xe bọc thép Hoa Kỳ
Hay quan tài sắt có đi không về
Nhân dân Bình Đào hả hê mở tiệc
Mừng chiến công tiêu diệt xe tăng
... Buồn thương cho Mỹ cả gan
Đi tìm Việt cộng lại lộn đường xuống âm ty”

Đến thôn Đồng Thành (Quế Châu, Quế Sơn) nghe chuyện của ông Hà Phước Thắm. Một thời gian dài bị giam hết nhà lao này đến nhà lao khác, bị tra tấn đánh đập dã man nên bây giờ “không còn bình thường, lúc nhớ lúc quên”  cụ cho biết như thế. Thế nhưng riêng bài “Ty Gia Long địa ngục trần gian” được sáng tác trong những năm ngồi tù thì cụ đọc không vấp một lời:

                                  Đây là tiếng hờn căm của những người cha đang thù sâu oán nặng

Của người con bao lần giương lê chỉa súng vào quân thù
Giờ đây tôi đang sống trong cảnh lao tù tăm tối
Sống từng giờ trong lửa bỏng nước sôi
Ngày đêm chẳng có chỗ ngồi
Chen nhau mà ngủ mồ hôi ướt đầm
Mở cửa, mở cửa có người xâm ngã gục
Ê im đi không ta múc quẹo sườn
Nhìn bên thấy bạn tôi thương
Mỗi khi tra tấn thịt xương tím bầm,
Khảo tra tàn bạo dã tâm
Sắt cây dộng ngực, giày chông đá nhào.
Thân trằn trọc xỉu nằm đủ kiểu
... Khổ, nhưng ta vẫn vui cười trong nguy biến
Bao Quang Trung ta quyết tiến đến cùng
Mãi nghe gió chuyển đất rung
Sao bay chói rạng cờ bay rợp trời
Đồng bào ơi anh chị em ơi
Đố ai quét sạch lá rừng
Đố ai dập được lửa bừng Gia Long”

 Có cụ khi nhắc đến cuộc chiến tranh là họ lại nghẹn ngào, lờ đi không muốn nói điều gì. Có lẽ cuộc chiến ấy quá tàn khốc đã lấy đi người thân, bạn bè, đồng đội, thậm chí cả một phần máu thịt của mình nên các cụ không muốn gợi lại nỗi đau.

Vừa qua, cụ Phan Thị Bông tham quan phòng trưng bày tạm thời bảo tàng, nhìn thấy những hiện vật trưng bày giống với kỷ vật của mình đang lưu giữ nên đã liên hệ với bảo tàng đề nghị được hiến tặng. Trước thực tế sưu tầm hiện vật cách mạng như “mò kim đáy bể”, thì đây là tín hiệu vui cho những người làm công tác bảo tàng. Điều đó chứng tỏ, hiện nay những kỷ vật thời chiến vẫn còn đang lưu trong dân nhưng do điều kiện khách quan nên chưa thể tiếp cận được.

Bảo tàng Quảng Nam đã có phòng trưng bày, sắp tới đây phòng trưng bày sẽ đưa vào phục vụ khách tham quan. Bảo tàng sẽ có nhiều hình thức phong phú, phù hợp để thu hút nhiều đối tượng khách đến tham quan, hy vọng rằng khi có nhiều tổ chức, cá nhân đến đây tham quan, hiện vật hiến tặng cho bảo tàng sẽ nhiều hơn. Tất nhiên, bảo tàng không thể trông chờ hoàn toàn vào hiện vật được hiến tặng, mà trên cơ sở đề cương trưng bày và rà soát lại những hiện vật đã có trong kho, hằng năm chủ động xây dựng kế hoạch sưu tầm hiện vật bổ sung sưu tập, chủ đề, giai đoạn… theo hình thức “cuốn chiếu” để công tác sưu tầm hiện vật cách mạng có hiệu quả hơn để phục vụ công chúng.



Tác giả: Trần Vũ

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Tin mới

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BẢO TÀNG TỈNH QUẢNG NAM
Địa chỉ: 281 – Phan Bội Châu, Tam Kỳ, Quảng Nam
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

Tổng số lượt truy cập