Tin tức chung

Đọc sổ tay thời chiến

Ngày đăng: 15:36 | 25/03 Lượt xem: 4150

Tư liệu chiến tranh được tiếp nhận từ nhiều nguồn và rất đa dạng, nhưng để lại cho tôi nhiều xúc cảm nhất là sổ nhật ký. Đây là tư liệu đời tư, đầy lý tưởng, ghi lại những gì chân thật nhất của người sống trong hoàn cảnh đó. 
Ký họa trong sổ tay.
Ký họa trong sổ tay.

Ông Nguyễn Văn Minh, ở thôn Phú Hưng, xã Đại Quang (huyện Đại Lộc) vừa tặng Bảo tàng Quảng Nam một cuốn sổ tay. Cuốn sổ được viết từ năm 1972 - 1975, trong suốt thời gian ông công tác, chiến đấu và bị giam tại Nhà lao Phú Quốc. Theo tài liệu lưu trữ: “Ông Minh tên thường dùng Nguyễn Văn Thường, bí danh X.B, sinh năm 1947, tham gia cách mạng tháng 5.1965, năm 1967 ra Bắc học tập, vào Nam năm 1970, được tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương, giấy khen, bằng khen, 2 lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, mới 22 tuổi đã làm Đại đội trưởng…”. Sổ tay nhật ký của ông Minh hình chữ nhật, bìa nhựa, màu nâu vàng, có vân hình gợn sóng, giấy bị ố vàng, mực viết nhiều trang bị lem. Trong sổ ghi chép các bài thơ, xen kẽ ký họa bằng bút mực, ghi chú cá nhân, lưu bút đồng đội thời kháng chiến chống Mỹ.

Lật giở từng trang sổ tay, tôi như được khám phá một phần cuộc sống, tình cảm, suy nghĩ của những con người đã cống hiến tuổi thanh xuân vì độc lập tự do dân tộc. Đầu cuốn sổ tay được kẹp hình ảnh chân dung trắng đen đã bị bong tróc rất nhiều, tiếp theo là ghi nhớ về sinh nhật con, vợ, ngày mất và ngày giỗ người thân, đồng đội, hồi ký về những trận đánh, những lần bị địch bắt giam, mấy dòng suy nghĩ trong những đêm không ngủ, những lần bị thương nằm điều trị, những câu tâm đắc của Truyện Kiều, câu thơ hay của Tố Hữu, lời dạy của Bác Hồ, kiến thức văn học, khoa học, bài thuốc hay, danh ngôn… Đầu ngược lại của cuốn sổ là những dòng lưu bút đầy cảm xúc của đồng đội khi chuyển đơn vị công tác, đi chữa bệnh...

Trong sổ tay còn có những dòng thơ đầy cảm xúc của ông Minh khi nhớ về quê hương ruột thịt: “Ai có về Trung chiều nay không nhỉ/ Cho gửi lời thăm đất Quảng quê tôi/ Xa quê hương nay đã mấy năm rồi/ Thương nhớ lắm, ô chà không kể nổi/ Quê tôi đó dải Thu Bồn mát rượi/ Đất phù sa xanh mượt những nà dâu/... / Chiều phố Hội thuyền chở đầy những cá/ Vàng Bồng Miêu nghe tiếng đã từ lâu/ Tiên Phước, Đại Bình cam chín vàng hau/ Khoai chợ Được có nơi nào sánh kịp/ Trà My đó núi rừng giăng trùng điệp/ Níu chân người rừng quế ngát hương thơm/ Tiên Phước, Tam Kỳ khắng khít bên nhau/ Mùa tiêu đến những gánh đầy ra chợ/ ... / Quảng Nam ơi thương mến trăm ngàn/ Giàu đẹp lắm ân tình cũng lắm/ Hai mươi mấy năm trời dầu sôi lửa bỏng/ Vẫn hiên ngang như một bức thành đồng/ Lửa chiến bùng hoen đỏ ngập khắp dòng sông.

Tôi tạm dòng thơ của tuổi xuân/ Gói gắm chút tình trong tuổi trẻ/ Tuổi xuân gian khổ vẫn kiên trung/ Cuộc đời đã hiến vì Tổ quốc/ Trọn tình với Đảng nghĩa non nhà/ Dẫu mình tàn phế lâm cảnh khổ/ Vẫn tươi như thể đóa hoa hồng”.

Như thế đó, chiến tranh đã lùi xa hơn 45 năm, mỗi lần nghe, nhìn, đọc được những câu chuyện, đề tài, hiện vật về chiến tranh cách mạng đều để lại trong tôi những cảm xúc thật khó tả.

Tác giả: Trần Vũ

Nguồn tin: Báo Quảng Nam

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Tin mới

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BẢO TÀNG TỈNH QUẢNG NAM
Địa chỉ: 281 – Phan Bội Châu, Tam Kỳ, Quảng Nam
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

Tổng số lượt truy cập