Khảo cổ

BỘ SƯU TẬP NGÓI DI TÍCH TRIỀN TRANH QUA ĐỢT KHAI QUẬT KHẢO CỔ NĂM 2015

Ngày đăng: 14:56 | 02/05 Lượt xem: 922

Nằm trong thung lũng Chiêm Sơn Tây với quần thể các di tích gồm Chùa Vua, Gò Gạch, Gò Lồi, Triền Tranh, qua kết quả khai quật khảo cổ các nhà khảo cổ học cho rằng di tích Triền Tranh là di tích có vị trí quan trọng không chỉ trong cụm di tích Chiêm Sơn Tây mà còn trên trục liên kết từ Khu đền tháp Mỹ Sơn qua cụm di tích Chiêm Sơn Tây, kinh đô Simhapura đến cảng biển Đại Chiêm. Ngoài kiến trúc đền tháp chính, di tích Triền Tranh còn có nhiều kiến trúc nhà ba gian lợp ngói có thể được sử dụng như những giáo đường, nơi giới tăng lữ tập giảng kinh sách, luyện kinh thờ cúng và nghi lễ, trai giới trước khi đến làm lễ tại Khu đền tháp Mỹ Sơn và các khu đền tháp khác trong vùng(1). Ngoài những phát hiện về quy mô, tính chất, đặc điểm di tích, một số lượng lớn di vật ngói đã được tìm thấy tại di tích này thông qua đợt khai quật năm 2015.

Ký tự, ký hiệu in khắc trên ngói

Ngói là một loại vật liệu dùng để lợp bộ mái trong các công trình kiến trúc. Tùy vào điều kiện của mỗi địa phương mà vật liệu này được sản xuất với những đặc trưng riêng. Trong các di tích thuộc văn hóa Champa, ngói được ghi nhận sử dụng từ sớm với loại hình ngói ống được phát hiện trong một số thành cổ Champa như thành Trà Kiệu (Quảng Nam), thành Hồ (Phú Yên), Cổ Lũy (Quảng Ngãi), An Thành (Bình Định) hay trong di tích cư trú Gò Cấm (Quảng Nam). Sang giai đoạn muộn hơn, vật liệu ngói được phát hiện từ các công trình kiến trúc Champa có loại hình khá đa dạng.

Tại di tích Triền Tranh, với số lượng ngói lên đến hàng chục nghìn tiêu bản, trong đó đa phần là các mảnh vỡ nên việc nhận diện một số loại hình cũng như công năng sử dụng của chúng cần thêm nhiều tư liệu hơn nữa. Tuy nhiên dựa vào hình dáng các tiêu bản ngói còn khả năng nghiên cứu, có thể thấy bộ sưu tập ngói ở đây gồm nhiều loại được chia thành ba nhóm: chiếm số lượng nhiều nhất là nhóm ngói phẳng với 9.944 tiêu bản với ngói mũi nhọn, ngói mũi tròn, ngói mũi bằng, ngói có móc ngói dạng hình hộp; nhóm ngói cong có 1.293 tiêu bản; nhóm ngói bẹ có 325 tiêu bản. Bộ sưu tập ngói này có niên đại trong khoảng thời gian từ cuối thế kỷ X đến cuối thế kỷ XIII(2).

Ngói mũi nhọn là tên gọi loại ngói có mũi hình tam giác cân, thân hình chữ nhật, đuôi ngói có móc bẻ gập với thân thành góc vuông. Loại ngói này còn được gọi là ngói mũi lá, ngói mũi tên. Chất liệu làm ngói từ đất sét được lọc kỹ, ít tạp chất, có hai loại ngói màu đỏ nhạt và màu trắng vàng. Loại ngói mũi nhọn màu trắng vàng số lượng tìm thấy không nhiều, bản ngói hẹp, xương ngói mỏng. Độ rộng bản ngói loại này thường dưới 6cm. Một tiêu bản gần nguyên có thể đo được chiều dài 18,5cm, rộng 5,3cm, dày 0,7cm. Loại ngói mũi nhọn màu đỏ nhạt chiếm số lượng chủ yếu với nhiều kích thước khác nhau. Với những viên ngói giữa phần thân và mũi ngói được tạo khấc ở hai bên thì kích thước bản ngói rộng từ 4,2cm đến dưới 9cm, mũi ngói nhọn dài. Tiêu bản gần nguyên có chiều dài còn lại 23,5cm (chiều dài toàn bộ viên ngói là 26,5cm), rộng 6,8cm, dày 0,9cm. Với những viên ngói giữa thân và mũi ngói không tạo khấc ở hai bên thì bản ngói rộng từ 9cm đến dưới 14cm, mũi ngói ngắn hơn. Một tiêu bản bị gãy ½ mũi ngói nhưng có thể đo được chiều dài là 27,5cm, rộng 11cm, dày 1,3cm. Loại ngói mũi nhọn không có khấc ở hai bên này còn gặp một số tiêu bản có hình dáng hơi thắt lại ở giữa dọc theo chiều dài viên ngói và rìa hai cạnh bên hơi vồng lên. Loại ngói màu đỏ nhạt nhiều viên được nung già cứng gần như sành.

Ngói mũi tròn có hình dáng thân và đuôi ngói tương tự loại ngói mũi nhọn, riêng phần mũi ngói có hình bán nguyệt. Ngói loại này có hai loại màu đỏ nhạt và trắng vàng như ngói mũi nhọn, chủ yếu là loại màu đỏ nhạt, độ rộng bản ngói trong khoảng 4,7cm-13cm. Độ cong của mũi ngói giữa các viên không đồng đều, một số tiêu bản mũi ngói không cân đối. Đo đạc trên hai tiêu bản nguyên có kích thước chiều dài trong khoảng 28-28,2cm, rộng 11,2cm, dày 1cm. Trên thân ngói mũi tròn và ngói mũi nhọn có nhiều tiêu bản có lỗ tròn nhỏ giữa viên ngói, các lỗ này có thể liên quan đến việc cố định viên ngói trên hệ thống mè gỗ.

Ngói phẳng: mũi nhọn, mũi tròn, mũi bằng, ngói có móc hình hộp chữ nhật

Ngói mũi bằng là loại ngói có phần mũi được cắt ngang. Móc ngói bẻ vuông góc với thân ở cạnh dài hoặc cạnh ngắn của viên ngói. Loại ngói mũi bằng có móc ngói ở cạnh ngắn của viên ngói thường mang kích thước lớn, màu đỏ nhạt hoặc đỏ, trắng vàng, độ rộng bản ngói trên 10cm mà chủ yếu từ 14cm trở lên, thân ngói hình chữ nhật trừ một số tiêu bản thân có xu hướng rộng hơn về phía mũi ngói, xương ngói dày, nặng. Một số tiêu bản nguyên có kích thước dài 18,6-20cm, rộng 10,8-11,5cm, dày 1-1,3cm; hoặc dài 25-26cm, rộng 17,4cm, dày 1,7cm. Loại ngói mũi bằng có móc ngói ở cạnh dài của viên ngói thường có màu vàng cam, xương ngói mỏng hơn. Tiêu bản còn đủ dáng đo được kích thước chiều dài 19,6cm, rộng 27,9cm, dày 1,3cm.

Trong khi loại ngói mũi nhọn, ngói mũi tròn, ngói mũi bằng có móc ngói bẻ gập chạy dài suốt cạnh ngắn hoặc cạnh dài (đối với ngói mũi bằng) của viên ngói thì trong nhóm ngói phẳng còn một loại ngói có móc nằm về góc trái của viên ngói, dạng hình hộp chữ nhật với một đầu bịt kín nằm cùng phương với rìa cạnh ngói, đầu còn lại hở. Ngói dạng này có thân hình chữ nhật, màu đỏ nhạt, bề mặt ngói không nhẵn. Do không tìm được viên ngói nào nguyên của loại hình này nên chưa xác định được hình dáng cụ thể cũng như cách lợp như thế nào.

Ngoài các loại ngói này, tại di tích Triền Tranh còn tìm thấy loại ngói có thân ngói phẳng, một mặt viên ngói có gắn thêm gờ nhỏ hình thang dài 5cm, rộng 1cm và loại ngói trên thân có các đường rãnh nhỏ song song. Do số lượng hạn chế lại không đủ hình dáng nên chỉ ghi nhận sự cá biệt này trong tổng thể bộ sưu tập ngói tại đây.

Trong đợt khai quật di tích Triền Tranh năm 2015, sau nhóm ngói phẳng thì nhóm ngói cong cũng là loại hình đáng ghi nhận trong bộ sưu tập ngói. Ngói cong tại đây không tìm thấy tiêu bản nào nguyên vẹn nên chưa xác định được hình dáng đầy đủ. Nhóm ngói này có màu đỏ nhạt hoặc vàng cam, chất liệu sét lọc kỹ, bề mặt ngói mịn, ít bị bong tróc. Dựa vào hình dáng có thể phân chia nhóm này thành hai loại là ngói có gờ và ngói không có gờ trên lưng ngói.

Ngói không có gờ trên lưng ngói thường có kích thước lớn, dựa vào các tiêu bản hiện còn có thể thấy ngói có mặt cắt hình chữ U(3), hai bên gần cạnh viên ngói có lỗ để chốt đinh hoặc để buộc dây, xương ngói dày. Ngói có gờ trên lưng ngói là loại ngói trên lưng tạo các đường giật cấp bản rộng đối xứng qua đỉnh ngói và các đường gờ ở rìa cạnh viên ngói. Trên phần gờ ở đỉnh viên ngói thường tạo rãnh nhỏ, trong có hai lỗ tròn. Các cặp lỗ tròn này được tạo đối xứng qua các bản gờ.

Bên cạnh các loại ngói cong này, đợt khai quật năm 2015 còn tìm thấy loại ngói có mặt cắt thân cong dạng lượn sóng với độ cong không lớn. Đáng tiếc loại này số lượng tìm thấy rất ít và không đủ hình dáng.

Cùng với nhóm ngói phẳng và nhóm ngói cong, nhóm ngói có mặt cắt thân hình chữ V cũng được tìm thấy tại di tích Triền Tranh, gọi là ngói bẹ. Loại ngói này từng được phát hiện tại di tích An Phú, đền tháp Khương Mỹ ở Quảng Nam. Ngói có kích thước lớn, thân hình thang với phần đuôi ngói thu nhỏ, mũi ngói nhọn. Chính giữa cạnh đuôi ngói có móc ngói hình chóp nhọn hoặc hình chóp cụt. Một số tiêu bản bên dưới móc ngói có hai lỗ tròn nhỏ đối xứng nhau qua sống lưng ngói. Loại ngói này dựa vào phần mũi ngói có thể chia làm hai loại: ngói bẹ mũi thẳng và ngói bẹ mũi cong. Ngói bẹ mũi thẳng có phần mũi thẳng, xương ngói dày đều. Tiêu bản đủ dáng loại này cho thấy ngói dài 44,5cm, rộng 26cm. Ngói bẹ mũi cong có phần mũi ngói được vuốt cong lên trên tạo độ cao, xương ngói ở phần mũi ngói khá dày. Loại này không tìm được viên nào nguyên hoặc đủ dáng nhưng đối chiếu với loại ngói bẹ mũi cong tìm thấy ở di tích An Phú cho thấy chúng có phần đuôi ngói tương tự loại ngói bẹ mũi thẳng.

Ngói bẹ

Trong bộ sưu tập ngói di tích Triền Tranh, một vấn đề đáng lưu ý là hệ thống ký tự/ ký hiệu được in, khắc trên ngói. Số lượng các tiêu bản có các ký hiệu/ ký tự này không nhiều nhưng khá phong phú về loại hình. Về các ký tự trên ngói ghi nhận có 01 tiêu bản khắc hàng chữ Hán, 01 tiêu bản in dạng dấu nhưng phần ký tự bên trong bị mòn nhiều không nhìn rõ, một số tiêu bản có chữ sankrit. Về các ký hiệu trên ngói gồm các ký hiệu như dấu x, các đường thẳng song song, hình tròn… Các ký hiệu này được in, khắc trên hầu hết các loại hình ngói, vị trí không cố định. Một số ký hiệu phát hiện trên ngói tại di tích Triền Tranh cũng từng được phát hiện trên một số đồ gốm đất nung Champa tại Trà Kiệu, Bãi Làng, Ruộng Đồng Cao… Có ý kiến cho rằng các ký hiệu này là ký hiệu của người làm gốm/ngói hoặc của lò sản xuất gốm/ngói, hoặc có thể là ký hiệu dùng để phân định số lượng ngói trong một mẻ sản xuất? Vấn đề giải mã các ký hiệu này cần thêm nhiều tư liệu mới và nghiên cứu chuyên sâu.

Ngói cong

Một vấn đề khác liên quan đến bộ sưu tập ngói ở đây là về kỹ thuật sản xuất ngói. Qua những dấu vết còn lại trên bề mặt ngói như các vết xước, dấu vải, các đường gọt sửa, các cạnh ngói phẳng cũng như sự tương đồng về kích thước trong từng nhóm ngói cho thấy ngói ở đây được làm bằng khuôn, nhiều trường hợp có chống dính bằng cách lót vải. Ở làng gốm Thanh Hà (Hội An, Quảng Nam), ngói cũng được tạo hình bằng khuôn nhưng chống dính bằng cách rải cát trong lòng khuôn trước khi cho đất sét vào.

Có thể nói ngói là một loại hình di vật đặc biệt, là một trong những chìa khóa không chỉ giúp nghiên cứu về kiến trúc, văn hóa, lịch sử, đời sống cư dân Champa trong từng giai đoạn mà còn để hiểu hơn về sự tác động văn hóa giữa các khu vực. Các loại hình ngói phát hiện tại di tích Triền Tranh không phải là một tập hợp riêng lẻ mà nó còn có mối quan hệ với bộ sưu tập ngói phát hiện ở các di tích khác không chỉ tại Việt Nam mà cả Ấn Độ và một số quốc gia Đông Nam Á khác như Thái Lan, Campuchia, Indonesia,… Trong tình hình tư liệu hiện tại, những kiến giải về bộ sưu tập ngói tại di tích Triền Tranh là chưa đầy đủ, hy vọng trong thời gian đến sẽ có thêm nhiều nghiên cứu mới góp phần lý giải nhiều vấn đề liên quan đến không chỉ bộ sưu tập ngói di tích Triền Tranh mà cả ngói Champa.

                                                              

Chú thích:

(1) Lê Đình Phụng, Nguyễn Ngọc Quý, Nguyễn Văn Mạnh và đoàn khai quật (2015), Báo cáo kết quả khai quật di tích Triền Tranh (xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Tư liệu Bảo tàng Quảng Nam.

(2),(3) Nguyễn Văn Mạnh (2018), Ngói Champa ở di tích Triền Tranh. Luận văn thạc sĩ Sử học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.

Tác giả: Nguyễn Thị Ngà

Nguồn tin: Tạp chí Văn hóa Quảng Nam

[Trở về]

Các tin khác:

Tin mới

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BẢO TÀNG TỈNH QUẢNG NAM
Địa chỉ: 281 – Phan Bội Châu, Tam Kỳ, Quảng Nam
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

Tổng số lượt truy cập