Từ sau năm 1975 cho đến nay, hơn một trăm di tích khảo cổ học đã được phát hiện, đào thám sát và khai quật ở Quảng Nam; từ di tích thời sơ kỳ đá mới đến các di tích thuộc văn hoá Sa Huỳnh ở giai doạn sơ kỳ thời đại kim khí và di tích văn hoá Champa.
Cán bộ Bảo tàng Quảng Nam xử lý hiện vật sau khai quật khảo cổ học.Ảnh: TV.
Là một trong những tỉnh có nhiều di tích văn hoá thời tiền sử và sơ sử, sau ngày tái lập tỉnh, năm 1997, Quảng Nam đã có hàng chục di tích KCH thuộc sơ kỳ đá mới và văn hóa Sa Huỳnh được tiếp tục khai quật, nghiên cứu.
Tháng 12 năm 1997, Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Quảng Nam khai quật khu mộ chum B’răng thuộc xã Cà-di huyện Nam Giang. Tháng 3-4 năm 1998, Trung tâm KCH t/p Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo tàng Quảng Nam và tiến sĩ Mariko Yamagata (Nhật Bản) khai quật khu mộ chum Bình Yên thuộc xã Quế Phước, huyện Quế Sơn. Tháng 3 năm 1999, Khoa Sử trường ĐHKHXH&NV Hà Nội phối hợp với Bảo tàng Quảng Nam khai quật 2 khu mộ táng Gò Mả Vôi và Gò Miếu Ông thuộc thôn Mậu Hoà, xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên. Tháng 8 năm 1999, Khoa Sử trường ĐHKHXH&NV Hà Nội phối hợp với phòng VHTT huyện Duy Xuyên khai quật chữa cháy khu mộ chum Gò Dừa thuộc thôn Thu Bồn, xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên. Tháng 6 năm 2000, Khoa Sử trường ĐHKHXH&NV Hà Nội cùng với Bảo tàng Quảng Nam và Trung tâm QLBT Di tích Hội An khai quật di tích Bãi Ông ở Cù Lao Chàm. Tháng 7 năm 2001 Trung tâm KCH t/p Hồ Chí Minh cùng với Bảo tàng Quảng Nam và tiến sĩ Mariko Yamagata khai quật di tích mộ chum Thạch Bích thuộc xã Quế Lâm huyện Quế Sơn. Tháng 9 năm 2001 Trung tâm KCH t/p Hồ Chí Minh cùng với Bảo tàng Quảng Nam khai quật một khu mộ chum ở thôn 8 thuộc xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước. Năm 2003 Trung tâm KCH t/p Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo tàng Quảng Nam và tiến sĩ Mariko Yamagata khai quật khu di tích Bàu Trám. Vào các năm 2002, 2003 và 2004, Khoa Sử trường ĐHKHXH&NV Hà Nội cùng với Bảo tàng Quảng Nam và tiến sĩ Andreas Reinecker khai quật khu mộ táng Lai Nghi. Tháng 6 năm 2006, Khoa Sử trường ĐHKHXH&NV Hà Nội cùng với Bảo tàng Quảng Nam khai quật một khu mộ chum ở xã Tiên Mỹ (Tiên Phước)… Năm 2008, Bảo tàng Quảng Nam đã phối hợp với Khoa sử trường ĐHKHXH&NV Hà Nội khai quật địa điểm Gò Miếu (xã Tiên Hà, Tiên Phước) lần thứ hai. Tháng 7 năm 2009 Bảo tàng Quảng Nam phối hợp với Khoa Sử (Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) khảo sát tại khu vực Vườn Thoáng thuộc thôn Thuận An, xã TamGiang (Núi Thành), di tích này đã được Bảo tàng Quảng Nam khai quật vào tháng 11-2012. Tháng 8-2013, Bảo tàng Quảng Nam đã khai quật tại di tích Gò Cam (cách di tích Vườn Thoáng khoảng 200m). Tháng 8 năm 2011, Bảo tàng Quảng Nam đã tiến hành khai quật di tích Gò Chùa thuộc thôn Phước Hội (xã Quế Lâm, Nông Sơn). Tháng 8-2014, Bảo tàng Quảng Nam khai quật di tích Cồn sò điệp Bàu Dũ thuộc thôn Phú Trung (Xã Tam Xuân I, Núi Thành) lần thứ 2 nhưng ở vị trí khác. Tháng 8/2016 Bảo tàng Quảng Nam đã khai quật lần thứ 2 di tích Hố Bà Đằng thuộc thôn 5 (xã Phước Gia, Hiệp Đức). Tháng 02-2017, Trung tâm Khảo cổ học (Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ) đã phối hợp với Bảo tàng Quảng Nam, chuyên gia Hội Khảo cổ học Việt Nam cùng với một số cơ quan nghiên cứu nước ngoài: Đại học Sapporo (Nhật Bản) và Đại học Quốc gia Úc khai quật di tích Bàu Dũ lần thứ 3. Với kết quả của các đợt khai quật, các nhà khảo cổ đã xếp Bàu Dũ vào loại hình di tích “Đống rác bếp” hay “Đống sò điệp”, “Cồn sò điệp” (Kjokkenmodding).
Loại hình di tích nầy thường xuất hiện ở vùng ven biển vào cuối thời đá cũ và thời đá mới. Ở Việt Nam số lượng di tích “Cồn sò điệp” phát hiện được chưa nhiều, trong đó, Bàu Dũ là di tích đầu tiên thuộc loại hình nầy được phát hiện và nghiên cứu ở các tỉnh phía Nam. Qua nghiên cứu di cốt người cổ cùng xương răng các loại động vật và các công cụ lao động được ghè đẽo bằng đá ở di chỉ Bàu Dũ, các nhà khảo cổ đã có cái nhìn tổng quan về giai đoạn sơ kỳ đá mới ở đất Quảng. Cư dân cổ Bàu Dũ chủ yếu sống dựa vào kinh tế khai thác. Cảnh quan thiên nhiên rất thuận lợi cho việc kiếm sống của họ. Gò Bàu Dũ là nơi người cổ cư trú, đồng thời họ cũng chôn người chết ngay trong các hố sò điệp. Theo kết quả của các đợt thám sát và khai quật trước đây và dựa vào phương pháp phân tích phóng xạ C14 các mẩu than tro đã được tìm thấy trước đó, cố giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng niên đại của Bàu Dũ khoảng 5030 ± 60 năm trước Công nguyên. Căn cứ đặc trưng công cụ và táng thức, các nhà khảo cổ học tham gia khai quật lần thứ I đề nghị xếp Bàu Dũ thành một loại hình riêng, nằm ở bước chuyển sau Hòa Bình, gọi là đá mới sau Hòa Bình.
Qua những đợt khai quật tại các di tích thuộc văn hóa Sa Huỳnh, các nhà khảo cổ đã thu thập được hàng ngàn hiện vật trong các tầng văn hoá của nơi cư trú cổ, trong các một chum và mộ đất của người cổ Sa Huỳnh. Không những thế, các nhà khảo cổ còn phác hoạ lại được một cách khái quát lịch sử thời sơ kỳ kim khí ở Quảng Nam.
Cuộc khai quật Bàu Trám vào năm 2003 là lần khai quật lần thứ 3 tại khu di tích nầy, các nhà khảo cổ đã tham gia khai quật Bàu Trám trong mỗi đợt đều có những nhận thức riêng, song có một điểm chung là thống nhất với nhau về việc xác định tầng văn hoá. Các địa điểm phân bố trên khu vực Bàu Trám vừa là khu cư trú cổ, vừa là khu mộ táng, các địa điểm nầy có quan hệ chặt chẽ với nhau và có tính đồng đại. Vật liệu để chế tác các công cụ đá ở Bàu Trám, phần lớn là loại đá trầm tích, diệp thạch, các loại cuội ven sông, ven biển; những nguyên liệu nầy được khai thác ở vùng lân cận Bàu Trám. Một số ít rìu vai, rìu tứ giác được mài nhẵn được làm bằng đá néphrite, là một loại đá quý không có ở địa phương; các nhà khảo cổ cho rằng chúng được mang từ nơi khác đến qua con đường trao đổi sản vật. Nghiên cứu các loại hình gốm ở lớp dưới trong tầng văn hoá Bàu Trám, các nhà khảo cổ cho rằng chúng có quan hệ gần gũi với gốm ở các di tích Bình Châu, Long Thạnh (Quảng Ngãi), Bãi Ông (Cù Lao Chàm), là những di tích nằm trong giai đoạn sớm của văn hoá Sa Huỳnh, hay còn gọi là “Tiền Sa Huỳnh”. Lớp trên của Bàu Trám đã xuất hiện những công cụ và vũ khí bằng đồng thau mang yếu tố Đông Sơn, đã bước vào giai đoạn sơ kỳ thời đại đồ sắt.
Các nhà khảo cổ trực tiếp khai quật địa điểm Bãi Ông đã nhận xét rằng, bộ sưu tập đồ đá và đồ gốm ở đây có những nét tương đồng với các hiện VẬT ở lớp dưới Bàu Trám. Di tích Bãi Ông góp phần vào việc xác định mối quan hệ giữa các cư dân sống ở vùng ven biển và cư dân vùng hải đảo xưa kia. Cùng với các địa điểm KCH ở Bàu Trám, di tích Bãi Ông khẳng định sự phát triển khá liên tục từ giai đoạn sơ kỳ thời đại đồng thau đến sơ kỳ thời đại đồ sắt ở Quảng Nam.
Tại các di tích Gò Mả Vôi, Gò Miếu Ông, bên cạnh các mộ quan tài gốm (mộ chum), còn tìm thấy một số ngôi mộ đất (không có dấu vết của một loại quan tài nào). Bên ngoài quan tài và trong quan tài thường có dấu vết than tro. Đặc biệt di tích Gò Mả Vôi đã xuất hiện nhiều loại hình mộ chum: chum hình trái xoan, chum hình trái đào, chum hình cầu… Tại khu vực nầy đã phát hiện được một số công cụ và vũ khí bằng đồng thau mang đậm dấu ấn của văn hoá Đông Sơn như rìu hình thang, rìu xoè cân, rìu lưỡi xéo, giáo hình búp đa, giáo dạng lá mía…
Một hiện tượng khá lý thú xuất hiện trong các khu mộ chum Sa Huỳnh, đó là một ngôi mộ có một chiếc chum nhỏ nằm trong một chum lớn (chum lồng nhau). Dấu vết mộ chum lồng nhau đã được phát hiện vào năm 1980 tại di tích Gò Đình thuộc xã Đại Lãnh (Đại Lộc), và sau đó là tại khu mộ chum Pa-xua, nhưng đáng tiếc là hai khu di tích nầy đã bị xáo trộn khá nặng nên không nghiên cứu được nhiều. Trong cuộc khai quật di tích Gò Dừa, các nhà khảo cổ đã tìm thấy 05 ngôi mộ chum lồng nhau còn khá nguyên vẹn, bộ sưu tập nầy làm phong phú thêm cho các loại hình quan tài chum trong văn hoá Sa Huỳnh. Hiện nay các nhà khảo cổ chưa có một ý kiến chung về hiện tượng nầy.
Đáng chú ý trong số các hiện vật tìm thấy ở Gò Dừa là một chiếc gương đồng còn nguyên vẹn; mặt lưng gương trang trí bằng những vòng tròn đồng tâm, trên đó có hình hai cặp hổ và long mã xen kẻ nhau, đối xứng qua tâm và phân cách nhau bằng 4 núm tròn nhỏ; Theo các nhà khảo cổ thì đây là loại gương đồng thời Hán có niên đại khoảng cuối thế kỷ I trước công nguyên. Trước đó, vào năm 1998, tại khu mộ chum Bình Yên, các nhà khảo cổ đã phát hiện được một chiếc gương đồng, mặt sau gương khắc 8 chữ Hán theo lối cổ tự. Tại địa điểm An Bang (Hội An), nhân dân địa phương cũng tìm thấy một chiếc gương đồng khác. Theo các nhà khảo cổ, có lẽ Quảng Nam là nơi duy nhất ở vùng phía Nam của văn hoá Đông Sơn tìm thấy 3 chiếc gương đồng thời Tây Hán.
Nghiên cứu về di vật và địa tầng tại di tích B’răng, các nhà khảo cổ đã kết luận khu vực thôn B’răng là nơi cư trú và mai táng của cư dân Sa Huỳnh xưa. Diện phân bố của di tích tương đối rộng, dọc hai bên bờ sông Thanh và hữu ngạn sông Cái đều tìm thấy nhiều mảnh gốm nằm rãi rác trên mặt rẫy. Trước đây, vào năm 1985, các nhà khảo cổ đã nghiên cứu các địa điểm Pa-xua, Zơ-ra thuộc xã Tabhing; nếu nối các di tích nầy lại theo một trục dọc theo hai bên bờ sông Thanh thì ta có được một hệ thống các di tích Sa Huỳnh đồng đại trên một tuyến dài hơn 10km. Tầng văn hoá của các địa điểm cư trú của cư dân Sa Huỳnh cổ trong khu vực nầy không dày, đồng thời lại phân bố trên một địa bàn khá rộng, cho thấy thời gian cư trú ở một địa điểm không dài, điều nầy phản ánh tính chất du canh du cư vốn có từ xưa của cư dân miền núi.
Qua nghiên cứu các di vật khai quật được ở Tiên Lãnh, chúng tôi cho rằng địa điểm nầy nằm ở giai đoạn muộn của văn hoá Sa Huỳnh-vào khoảng 100-200 năm trước công nguyên. Ngoài những di vật quen thuộc trong các di tích Sa Huỳnh, còn có 02 chiếc âu bằng đồng thau, là loại di vật có khả năng được du nhập từ bên ngoài, hoặc là sản phẩm bản địa chịu ảnh hưởng của văn hoá Hán.
Với các di tích được tìm thấy tại Tiên Phước, Nam Giang, Quế Sơn, Nông Sơn, Hiệp Đức... càng khẳng định sự phân bố rộng khắp của các di tích Sa Huỳnh, không chỉ ở vùng đồng bằng ven biển mà còn có mặt ở vùng thượng nguồn sông Thu Bồn và các nhánh sông khác như sông Thanh, sông Tiên, sông Trường, sông Tranh… Tính chất vùng của phức hệ văn hoá Sa Huỳnh miền núi thể hiện rõ qua bộ sưu tập công cụ lao động. Với những công cụ như rựa sắt, thuổng sắt, người cổ Sa Huỳnh ở miền núi có thể phát rừng, làm rẫy; nền nông nghiệp nương rẫy của họ, mặc dù không thể sánh với nghề trồng lúa nước, song cũng đã khá phát triển. Ngoài ra họ còn khai thác các loại lâm, thổ sản quý giá của rừng để trao đổi với vùng đồng bằng.
Trong hơn 40 năm nghiên cứu văn hoá Sa Huỳnh ở Quảng Nam, có lẽ phát hiện tại di tích Lai Nghi đã gây sự chú ý lớn trong giới khảo cổ. Chỉ trong phạm vi chưa đến 500m2, các nhà khảo cổ đã phát hiện được 63 mộ chum và 04 mộ đất, cùng với trên 300 đồ gốm, 50 hiện vật bằng đồng, trên 100 công cụ và vũ khí bằng sắt; đặc biêt là đồ trang sức được tìm thấy ở đây có số lượng lớn và đa dạng về loại hình gồm: 04 chiếc khuyên tai bằng vàng, 122 hạt chuỗi bằng vàng hoặc thuỷ tinh dát vàng; trên 10.000 hạt chuỗi bằng thuỷ tinh; hàng trăm hạt chuỗi bằng mã não, trong số đó có hai di vật độc đáo, đó là một hạt chuỗi mã não chạm hình con chim nước, và một hạt khác thể hiện một con hổ, theo các nhà khảo cổ đây là loại di vật rất hiếm hoi trong các di tích thuộc giai đoạn sơ kỳ thời đại đồ sắt ở vùng Đông Nam Á.
Với hàng chục ngàn hạt chuỗi bằng thuỷ tinh được phát hiện trong các di tích Lai Nghi, Thạch Bích, Bình Yên, Gò Mã Vôi, Gò Dừa… các nhà khảo cổ xác định người cổ Sa Huỳnh đã biết nấu thuỷ tinh, tuy nhiên họ chỉ mới dùng thuỷ tinh làm đồ trang sức chứ chưa thể làm những vật dụng khác phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày.
Bên cạnh các loại công cụ, vũ khí bằng đồng thau và bằng sắt, đồ trang sức cũng là một tiêu chí quan trọng để đánh giá sự phát triển của xã hội loài người vào thời sơ kỳ kim khí. Thông thường, trong một khu mộ táng, số lượng mộ chum có chôn theo đồ dùng bằng kim loại và đồ trang sức chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ (riêng di tích Lai Nghi là một trường hợp đặc biệt); các nhà khảo cổ căn cứ vào sự phân bố của các loại hiện vật nầy trong các mộ táng để xác định sự giàu nghèo, từ đó cho thấy trong xã hội Sa Huỳnh đã có sự phân hoá, thời bấy giờ có thể đã xuất hiện tầng lớp thống trị chi phối một số hoạt động của cộng đồng cư dân Sa Huỳnh cổ.
Bộ sưu tập hiện vật như bát, đĩa bằng đồng thau, những chiếc gương đồng và những hoa văn in ô vuông kiểu Hán trên các đồ gốm, cùng với một số đồng tiền Ngũ Thù xuất hiện trong các mộ chum ở Quảng Nam đã cho thấy mối giao lưu giữa văn hoá Hán với văn hoá Sa Huỳnh.
Trong mối quan hệ với các di tích Sa Huỳnh nằm ở vùng hạ lưu sông Thu Bồn, các di tích Sa Huỳnh ở miền núi đóng vai trò là vùng khai thác nguyên liệu, lâm sản quý như trầm hương, quế, hồ tiêu, ngà voi, sừng tê giác, các loại cây thuốc… là những mặt hàng mà các thương nhân vùng bán đảo Ả Rập, Nam Á và Trung Hoa rất ưa chuộng. Từ vùng thượng nguồn, hàng hoá xuôi về đồng bằng qua đường sông, đến vùng hạ lưu sông Thu Bồn, ở đó có một cảng thị cổ của người Sa Huỳnh, nơi mà sau đó trở thành Đại Chiêm hải khẩu của vương quốc Champa.
Trong những giá trị văn hoá mà ngưòi Chăm cổ để lại trên đất Quảng Nam nói riêng và miền Trung nói chung, các khu đền tháp được xây bằng gạch, trải qua hàng ngàn năm, vẫn còn đứng sừng sững như thi gan với thời gian.
Tháng 6 năm 2002, được sự tài trợ của American Express Company, Trung tâm BTDS-DT Quảng Nam đã phối hợp với Viện Khảo cổ học thực hiện dự án khai quật Khe Thẻ; kết quả đã khai quật được 216 hiện vật bằng sa thạch và một số đồ đất nung, gốm sứ. Tháng 8 năm 2005, dự án được tiếp tục thực hiện, các nhà khảo cổ đã phát hiện thêm 235 hiện vật đá trong các hố khai quật cạnh mandapa D1 và D2. Kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy khu vực nầy nhiều khả năng có một vài công trình kiến trúc đã bị sụp đổ từ lâu.
Vào cuối năm 2000, trong chương trình tôn tạo cảnh quan khu tháp Chiên Đàn, Bảo tàng Quảng Nam đã khai quật được nền móng của một phế tích và gần 100 hiện vật phía trước ngôi tháp giữa. Bộ sưu tập hiện vật nầy đã làm phong phú thêm cho di sản văn hoá Champa tại Quảng Nam, đồng thời thêm tư liệu cho các nhà nghiên cứu, góp phần khẳng định một phong cách điêu khắc trong nghệ thuật Champa - Phong cách Chiên Đàn.
Được phép của Bộ Văn hoá Thông tin, vào tháng 2/2002, Bảo tàng Quảng Nam đã khai quật phế tích An Phú, phế tích nầy cách khu tháp Chiên Đàn khoảng 500m theo đường chim bay. Đây là một kiểu nhà dài, có mặt bằng hình chữ nhật, loại hình kiến trúc nầy hiện nay còn lại rất ít và hầu như không còn nguyên vẹn. Xét về mặt tổng thể, phế tích An Phú có mối quan hệ với khu tháp Chiên Đàn, phế tích cần được gia cố, bảo quản để phục vụ nghiên cứu và tham quan.
Đầu tháng 11/2000, Bảo tàng Quảng Nam đã đào thám sát chân tháp Khương Mỹ để chuẩn bị cho việc thiết kế tu bổ khu tháp. Kết quả đã phát hiện được một hệ thống trang trí chân tường bằng sa thạch được chạm trổ công phu; phần chân tường nầy đã bị vùi lấp hàng trăm năm nay. Hiện nay Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam đang chuẩn bị triển khai dự án tu bổ nhóm tháp nầy...
Ngoài ra còn một vài địa điểm khác như di chỉ Gò Cấm (Mậu Hoà, Duy Trung, Duy Xuyên), một vài địa điểm trong thành Trà Kiệu do Viện Khảo Cổ tiến hành khai quật; một số hố khai quật tại khu phố cổ Hội An, do Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội phối hợp với Đại học Sowa ( Nhật Bản) thực hiện...
Sự kiện lớn nhất của Khảo cổ Học Quảng Nam trong 20 năm qua là cuộc khai quật con tàu đắm cổ tại vùng biển Cù Lao Chàm (Hội An). Có thể nói đây là lần đầu tiên trên thế giới, một cuộc khai quật khảo cổ học dưới nước được tiến hành ở độ sâu hơn 70m. Bộ VHTT trước đây đã phối hợp với các công ty Saga Horizon (Malaysia) và VISAL tổ chức 3 đợt khảo sát vào năm 1997, 3 đợt khai quật trong các năm 1998 và 1999. Một số phương tiện vận tải, thiết bị khai quật hiện đại đã được đưa vào phục vụ cho cuộc khai quật nầy. Theo các nhà khảo cổ, đây là cuộc khai quật khảo cổ học dưới nước có quy mô lớn nhất ở nước ta từ trước đến nay; cuộc khai quật đã thu hút nhiều cơ quan, hàng trăm nhà khoa học, chuyên gia, kỹ thuật viên, thuỷ thủ Việt Nam và 13 nước khác trên thế giới. Đã có trên 244.000 hiện vật được khai quật, phần lớn là đồ gốm tráng men thuộc các lò Chu Đậu và Mỹ Xá (Hải Dương). Nghiên cứu cấu trúc tàu và hàng hoá chở trên tàu, các nhà khảo cổ cho biết con tàu cổ đắm nầy có niên đại vào khoảng thế kỷ XV. Cuộc khai quật KCH dưới nước ở vùng biển Cù Lao Chàm không chỉ mang lại một khối lượng lớn hiện vật, nó còn góp phần quan trọng vào việc tìm hiểu "Con đường tơ lụa trên biển Đông" vào thế kỷ XV-XVI. Kết quả nghiên cứu đồ gốm tráng men đã khai quật được đã khẳng định gốm Việt ở thế kỷ XV đã đạt đến đỉnh cao về loại hình sản phẩm, nghệ thuật trang trí lẫn công nghệ sản xuất...
Bắt đầu từ con số không, sau 20 năm, qua các lần phối hợp, Bảo tàng Quảng Nam đã sưu tập được trên 30.000 đơn vị hiện vật, trong đó khoảng 20.000 đơn vị hiện vật thuộc các nền văn hóa cổ, qua đó có thể thấy sự nỗ lực nghiên cứu-sưu tầm của toàn thể đơn vị. Cũng phải kể đến sự hợp tác hiệu quả giữa Bảo tàng với các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước trong lĩnh vực khảo cổ học, qua các cuộc phối hợp khai quật, cán bộ chuyên môn của Bảo tàng đã học hỏi được không ít kinh nghiệm của các chuyên gia trong và ngoài nước, từ đó có thể tự tổ chức khai quật và nghiên cứu khảo cổ học hiệu quả bằng nguồn kinh phí khiêm tốn mà đơn vị được cấp.
Lòng đất Quảng Nam còn ẩn chứa nhiều di sản văn hóa quý giá của tiền nhân, trong tương lai chắc chắn sẽ có thêm nhiều di vật, nhiều điều lý thú từ các nền văn hóa cổ sẽ tiếp tục được phát lộ bởi những người làm công tác bảo tàng miệt mài và thầm lặng...