Kiểm kê

BẢO QUẢN HIỆN VẬT TẠI BẢO TÀNG TỈNH QUẢNG NAM

Ngày đăng: 20:36 | 10/11 Lượt xem: 1793

Bảo tàng tỉnh Quảng Nam thuộc loại hình bảo tàng tổng hợp, có chức năng thu nhận, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày và tuyên truyền nhằm mục đích giáo dục, học tập và thưởng thức giá trị di sản văn hóa, thiên nhiên, con người xứ Quảng đến với công chúng.

Hiện đang lưu giữ hơn 30.000 đơn vị hiện vật; trong đó, có hiện vật khảo cổ học, hiện vật lịch sử cách mạng, hiện vật dân tộc học, ngành nghề truyền thống, các mẫu vật tự nhiên ở nhiều dạng chất liệu khác nhau như gốm sứ, đất nung, đá, giấy, vải, gỗ, mây tre, kim loại, thủy tinh, nhựa, xương sừng…thuộc nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau được khai quật, sưu tầm tại nhiều địa phương trong tỉnh. Với số lượng đơn vị hiện vật đó đã và đang đặt công tác bảo quản hiện vật trước một thách thức lớn. Chính vì lẽ đó, từ khi thành lập (1997) đến nay, Bảo tàng tỉnh Quảng Nam luôn coi trọng đến công tác bảo quản, xem đó là một nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và lâu dài. Cán bộ làm công tác bảo quản không ngại khó khăn, vất vả, kiên trì, tỉ mỉ và trách nhiệm khi thao tác trên từng hiện vật. Đây là một trong các khâu công tác chuyên môn nghiệp vụ rất quan trọng nhưng cũng hết sức thầm lặng vì nó được thực hiện ngay kho bảo quản.

Trong những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng nhờ có sự quan tâm đồng bộ từ các cấp lãnh đạo, công tác bảo quản hiện vật của Bảo tàng tỉnh Quảng Nam có những chuyển biến tích cực mang lại kết quả nhất định.

Hàng tuần, cán bộ kho đều kiểm tra hiện vật, vệ sinh sàn nhà, tủ, bục, kệ… để tránh tình trạng bụi bẩn, côn trùng, ẩm mốc nhằm tránh xuống cấp và kéo dài tuổi thọ cho hiện vật. Với môi trường, nhiệt độ khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa như ở nước ta, nếu không tiến hành công tác bảo quản thường xuyên, hiện vật sẽ bị xuống cấp nhanh chóng và khó có thể khắc phục được.

Đối với hiện vật chất liệu giấy: Là chất liệu dễ bị mối mọt, hư hỏng, bụi bẩn nếu như không được bảo quản đúng cách và đúng môi trường thích hợp. Yêu cầu đối với các tài liệu hiện vật ở chất liệu này phải được bảo quản trong kho tối, giảm thiểu tối đa thời gian chiếu sáng cũng như cường độ sáng; đã tổ chức bảo quản hiện vật đối với chất liệu này theo phương pháp thủ công là chủ yếu, tùy vào các kích thước lớn nhỏ khác nhau thì được tiến hành phân loại sao cho phù hợp với từng điều kiện cụ thể. Mỗi một hiện vật được cho vào túi giấy dó và được đánh số kiểm kê bên ngoài để tiện phục vụ cho công tác quản lý, dễ tìm kiếm hiện vật khi cần thiết. Ngoài giấy dó có tác dụng chổng ẩm, cán bộ bảo quản còn dùng chất hút ẩm (Silicagel) đựng trong các túi vải thưa bỏ vào cùng hiện vật.

Đối với hiện vật chất liệu vải sợi: Phần lớn là trang phục, hia, hài, mũ trong lễ hội dân gian, trong nghệ thuật tuồng, quân phục, cờ, võng dù, tấm vải dù, ba lô của các chiến sĩ sử dụng trong chiến tranh đến các loại trang phục thổ cẩm của các dân tộc thiểu số được sưu tầm tại nhiều nơi trong tỉnh. Trước khi tiến hành công tác bảo quản, hiện vật được giặt sạch sẽ, phơi khô trong nắng nhẹ, sửa chữa sơ bộ đối với những chỗ bị rách, sứt chỉ…. Sau khi xử lý, tiến hành sắp xếp hiện vật vào tủ, trong mỗi tủ đều có đặt những túi hút ẩm và nụ hoa đinh hương nhằm chống ẩm, vừa ngăn ngừa sự xâm hại của côn trùng.

Đối với các hiện vật được cấu tạo từ chất liệu vô cơ như kim loại, đồ đá, gốm, thủy tinh…được sắp xếp, trưng bày trong các tủ kính, bục, kệ một cách ngăn nắp, khoa học, dễ tìm kiếm.

Phân loại hiện vật theo chất liệu, loại hình để đưa vào vị trí bảo quản. Ảnh: Trần Vũ

Côn trùng gây hại cũng là điều hết sức đặc biệt quan tâm. Kiểm soát các loại côn trùng trước hết bằng việc sắp xếp các hiện vật một cách ngăn nắp và thường xuyên kiểm tra, loại bỏ mọi khả năng gây hại của chúng. Sử dụng các loại bẫy để bẫy động vật gặm nhấm phá hoại, đồng thời phun thuốc diệt mối mọt, côn trùng theo định kỳ.

Hiện nay, Bảo tàng tỉnh Quảng Nam đã được trang bị một số trang thiết bị phục vụ công tác bảo quản như: Quạt thông gió, máy hút ẩm, máy hút bụi, tủ chuyên dụng bảo quản hiện vật giấy, vải, thiết bị đo nhiệt độ và độ ẩm. Đây là điều kiện tốt cho bảo quản phòng ngừa hiện vật. Kiểm tra không khí thường xuyên để kiểm soát độ ẩm, đảm bảo độ ẩm tương đối ở mức 55-60%. Vượt qua ngưỡng này nấm mốc có thể bắt đầu phát triển làm ảnh hưởng đến tuổi thọ hiện vật.

Trải qua 20 năm hình thành và phát triển, Bảo tàng Quảng Nam đã hoàn thành tốt công tác chuyên môn nghiệp vụ, trong đó có công tác bảo quản hiện vật. Tin tưởng rằng trong thời gian đến, với tiếp tục quan tâm của các cấp, các ngành, đặc biệt là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch  cùng với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của đội ngũ làm công tác bảo quản hiện vật và hỗ trợ từ đồng nghiệp công tác bảo quản hiện vật sẽ được thực hiện tốt hơn nữa, góp phần phát huy giá trị hiện vật được tốt hơn nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân.

Tác giả: Nguyễn Thị Phượng

[Trở về]

Các tin khác:

Tin mới

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BẢO TÀNG TỈNH QUẢNG NAM
Địa chỉ: 281 – Phan Bội Châu, Tam Kỳ, Quảng Nam
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

Tổng số lượt truy cập