Kiểm kê hiện vật bảo tàng là một trong 6 khâu hoạt động nghiệp vụ then chốt của bảo tàng. Đó là hoạt động nhằm khẳng định và đảm bảo tính khoa học, tính pháp lý cho một hiện vật. Công tác kiểm kê ngoài chức năng riêng biệt của mình còn hỗ trợ cho các bộ phận nghiệp vụ khác.
Bảo tàng muốn đáp ứng được những nhiệm vụ cơ bản của mình như: nghiên cứu, bảo quản, giáo dục và hoạt động văn hóa thì phải có một số lượng lớn hiện vật gốc và những hiện vật này phải được nghiên cứu, sắp xếp một cách khoa học nhằm thuận tiện cho công tác bảo quản và những công tác khác. Đó là mục đích mà công tác kiểm kê hướng tới. Công tác kiểm kê hiện vật trong kho tại Bảo tàng Quảng Nam cũng nhằm:
- Bảo quản hiện vật về mặt pháp lý
- Hỗ trợ cho việc tìm và nghiên cứu hiện vật trong kho bảo tàng được dễ dàng và thuận lợi
- Giúp cho việc xác định lý lịch hiện vật được chính xác, tạo điều kiện cho việc bảo quản hiện vật được lâu dài
Chính vì vậy mà ba nhiệm vụ cơ bản của công tác kiểm kê là:
- Xác định quyền sở hữu của hiện vật của bảo tàng (làm giấy khai sinh và đưa nó vào tài sản của toàn dân), bảo vệ hiện vật về mặt pháp lý. Đảm bảo gìn giữ sự toàn vẹn của các di vật, hiện vật lịch sử tự nhiên, các di vật văn hóa được gìn giữ trong các kho của bảo tàng.
- Nghiên cứu, phát hiện và xác định ý nghĩa lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật của các hiện vật bảo tàng. Tạo điều kiện thuận lợi để sử dụng các hiện vật ấy một cách rộng rãi vào công tác nghiên cứu khoa học, giáo dục của bảo tàng và các mục đích khoa học khác.
Bảo tàng Quảng Nam là đơn vị sự nghiệp văn hoá thuộc loại hình bảo tàng tổng hợp, có chức năng nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê bảo quản, trưng bày tuyên truyền phát huy giá trị các di sản lịch sử, văn hoá và thiên nhiên của tỉnhQuảng Nam.
Sở hữu hơn 30.000 đơn vị hiện vật thuộc nhiều loại hình và chất liệu khác nhau được kiểm kê, bảo quản tốt. Có được thành quả như vậy là nhờ sự góp phần không nhỏ của công tác kiểm kê. Ghi chép đầy đủ những dữ liệu về hiện vật như kích thước, màu sắc, hình dáng, chất liệu, kể cả đánh số cho hiện vật là cách góp phần khẳng định sự hiện diện của hiện vật với thông điệp truyền tải giá trị văn hóa, lịch sử, khoa học liên quan đến hiện vật đó đến với công chúng. Và điều quan trọng nhất là đánh số cho hiện vật để mỗi hiện vật có một số ký hiệu riêng biệt.
Hiện vật khi được sưu tầm về khi có đầy đủ hồ sơ và sau khi thông qua hội đồng khoa học xét chọn hiện vật sẽ được nhập kho bảo tàng. Sau khi nhập kho cán bộ kiểm kê sẽ tiến hành đánh số, đăng ký hiện vật vào sổ kiểm kê chính. Sau đó sẽ tiến hành đăng ký vào sổ phân loại theo chất liệu khác nhau. Hiện tại, hiện vật thuộc sở hữu của Bảo tàng Quảng Nam bao gồm các loại chất liệu sau: Đồ mộc (các hiện vật được làm từ mây, tre, gỗ...), đồ dệt (các hiện vật làm từ vải, sợi...), đồ kim loại (các hiện vật làm từ sắt, đồng...), đồ gốm sứ (các hiện vật làm từ đất nung, sành sứ...), đồ da (các hiện vật làm từ da), xương (hiện vật có chất liệu xương, sừng),đồ nhựa (các hiện vật làm từ nhựa), hiện vật giấy, đồ đá (hiện vật chất liệu đá).
Tất cả các hiện vật trên đều được đánh số theo mẫu chung của Cục di sản hướng dẫn.Trên mỗi hiện vật có ký hiệu tên bảo tàng sở hữu hiện vật, số kiểm kê và số phân loại. Việc đánh số và ghi ký hiệu kiểm kê cho các hiện vật có một vị trí quan trọng trong công tác kiểm kê của bảo tàng nói riêng, cũng như mọi hoạt động của các khâu công tác khác nói chung.
Lập phiếu hiện vật:Trong phiếu hiện vật ghi đầy đủ thông tin về hiện vật từ kích thước, hình dáng, màu sắc, chất liệu, tình trạng hiện vật. Và quan trọng hơn hết là việc mô tả chi tiết về hiện vật, việc này giúp làm sáng tỏ ỹ nghĩa, công dụng của hiện vật trong đời sống hằng ngày.Công tác này nhằm giúp công tác kiểm kê, bảo quản, di chuyển hiện vật được khoa học, thuận lợi và phục vụ đắc lực công việcnghiên cứu, trưng bày.
Ngoài việc lập danh mục hiện vật theo loại hình hiện vật, bộ phận kiểm kê của bảo tàng còn lập danh mục hiện vật theo từng chất liệu để tiện theo dõi.
Hồ sơ hiện vật đều được lưu giữ đầy đủ, khoa học giúp cho việc tìm kiếm thông tin hiện vật nhanh chóng.
Hằng năm, bộ phận kiểm kê của Bảo tàng Quảng Nam đều tiến hành kiểm kê số lượng hiện vật dựa vào việc cộng số lượng mỗi trang trong sổ kiểm kê bước đầu và sổ khoa học tham khảo.
Cán bộ phòng Kiểm kê Bảo quản đánh số kiểm kê hiện vật. Ảnh: TV
Như vậy, công tác kiểm kê hiện vật tại Bảo tàng Quảng Nam giúp tìm ra nhanh chóng các hiện vật cần tìm trong kho bảo quản hoặc phòng trưng bày.Thực hiện việc giám sát, kiểm tra tình trạng của hiện vật hoặc sưu tập hiện vật tạo điều kiện để bảo quản chúng được lâu dài và sử dụng hiện vật một cách rộng rãi vào các mục đích khoa học của bảo tàng. Bên cạnh những kết quả đạt được, trong công tác kiểm kê tại bảo tàng còn những mặt hạn chế như:
Do nhiều yếu tố khách quan, đội ngũ làm công tác kiểm kê không gắn bó lâu dài với công việc do chuyển đổi vị trí làm việc, có người chuyển công tác sang đơn vị khác nên tính chia sẻ, cập nhập chưa được thường xuyên. Việc ứng dụng công nghệ thông tin thông qua phần mềm đăng nhập do Cục Di sản cung cấp được thực hiện nhưng không liên tục do phần mềm bị lỗi. Do chưa thống nhất được tên gọi, ký hiệu của một số hiện vật, ký hiệu chất liệu nên còn có sự nhầm lẫn trong cách gọi tên hiện vật. Trước đây, việc ghi ký hiệu kiểm kê được thực hiện một cách tự nhiên, thiếu hướng dẫn và cả về mặt nhận thức nên một số hiện vật có ký hiệu kiểm kê “không đúng chỗ” nên không đảm bảo tính thẩm mỹ. Việc kiểm kê hiện vật khi di chuyển vị trí bảo quản hoặc lúc xuất hiện vật phục vụ trưng bày thiếu sự phối hợp và giám sát chặc chẽ nên sự xáo trộn là không tránh khỏi, gây khó khăn trong việc tìm kiếm hiện vật khi cần.
Để công tác kiểm kê hiện vật trong thời gian đến đạt kết quả tốt cần tập trung vào những nội dung sau:
Bộ phận sưu tầm khi đi sưu tầm thì ngoài những thông tin cần thiết như: tên gọi, hình dáng, kích thước, màu sắc, xuất xứ ... cần tập trung vào khai thác những nội dung giá trị bên trong hiện vật, hay còn gọi là cái hồn của hiện vật nhằm làm cho hiện vật có sức lôi cuốn, hấp dẫn công chúng thông qua việc việc thuyết minh hướng dẫn khách tham quan. Cán bộ kiểm kê ngoài việc ghi chép các thông tin cần thiết như trên cũng cần phải tìm hiểu, miêu tả thêm để toát lên giá trị lịch sử, nội dung, ý nghĩa của hiện vật trong cuộc sống.
Trong công tác quản lý cần tham khảo, chọn lọc và áp dụng các biểu quy chuẩn hiện vật mang tính phổ biến để đảm bảo tính khoa học. Hằng năm cần tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ nghiệp vụ tham gia để nâng cao trình độ chuyên môn.Cần thiết phải thực hiện việc kiểm kê di chuyển hiện vật để theo dõi hiện vật khi xuất hiện vật phục vụ trưng bày trong và ngoài tỉnh.
Có thể nói công tác kiểm kê mặc dù là công việc rất thầm lặng nhưng góp một phần không nhỏ vào thành công chung của bảo tàng trong thời gian qua. Để công tác kiểm kê đạt được kết quả tốt hơn nữa, cán bộ kiểm kê cần nâng cao trình độ chuyên môn, đảm bảo sự cập nhật hóa phương pháp quản lý hồ sơ, chăm sóc, đóng gói hiện vật cũng như những thay đổi trong điều luật liên quan đến bảo tàng và hiện vật bảo tàng.