Trưởng phòng VH-TT huyện Nông Sơn - Nguyễn Thanh Anh cho biết, khi đi làm lễ hội Bà Thu Bồn nghe người dân phản ánh tại khu vực Hòn Nghệ, núi Đá Quang thuộc thôn Trung An, xã Quế Trung có rất nhiều hòn đá chẻ, trên đó có khắc chữ Hán nhưng không biết đá đó họ dùng để làm gì. Tiếp nhận thông tin, chúng tôi đi tìm hiểu thì được ông Võ Văn Khánh, người dân thôn Trung An, tình nguyện dẫn đường.
Có nhiều hòn đá chẻ, bề mặt khắc chữ Hán, tại khu vực Hòn Nghệ, núi Đá Quang,
thôn Trung An, xã Quế Trung, Nông Sơn. Ảnh: TRẦN VŨ
Ông Khánh cho biết, Hòn Nghệ trước đây là rừng tự nhiên, cách đây hơn chục năm, khi nhà nước giao đất rừng cho ông khai thác trồng keo mới phát hiện ra các hòn đá chẻ có chữ Hán này. Khu vực này nằm ngay gần chân đèo Phường Rạnh, đoạn qua huyện Nông Sơn, cách dinh Bà Thu Bồn (Nông Sơn) khoảng 500m đường chim bay. Ông Khánh chỉ cho chúng tôi rất nhiều đá tảng, xen lẫn trong đó là những tảng đá đã được chẻ thành hình chữ nhật hoặc hình vuông, trên một mặt có khắc chữ Hán, nét chữ không được sắc, có thể các chữ này do thợ chẻ đá khắc nên. Các tảng đá này nằm rải rác trên cả khu đồi rộng, một số nơi tập trung thành cụm 4 - 5 tảng. Kích thước mỗi tảng đá cũng khác nhau. Do thời gian hạn chế nên chúng tôi chưa khám phá hết được.
Có ý kiến cho rằng đây là bãi đá được khai thác để xây các công trình xung quanh, vì ở dinh Bà Thu Bồn người ta phát hiện có một vài tảng đá tương tự như đá trên bãi, chữ Hán do thợ đánh dấu vị trí và hướng đặt tảng đá đó. Lại có ý kiến cho rằng đây có thể là bãi đá phục vụ cho việc xây dựng công trình quân sự nào đấy ở gần đó… Tuy nhiên tất cả những ý kiến đó chỉ mang tính phỏng đoán. Thực sự những tảng đá này được người ta chẻ vào thời gian nào và dùng để làm gì… đều chưa được giải mã. Thiết nghĩ, để hiểu biết đặc điểm, chức năng, vai trò… của địa điểm này trong lịch sử, cần có sự khảo sát chi tiết, dập bản khắc chữ, dịch thuật và có những nghiên cứu chuyên sâu mới có câu trả lời chính xác.