Sưu tầm

Nghề đan thúng chai huyện Núi Thành

Ngày đăng: 20:53 | 31/01 Lượt xem: 2428

Huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam có đường bờ biển dài 37 km,  gồm các xã Tam TiếnTam HòaTam GiangTam HảiTam Quang và một phần xã Tam Nghĩa. Từ lâu đánh bắt hải sản là thế mạnh của các xã ven biển, sản lượng đánh bắt hằng năm đứng trong tóp đầu của tỉnh, để đánh bắt hải sản ngư dân thường sử dụng các loại tàu gỗ và thúng chai để hổ trợ, cho nên nghề đan thúng chai và chiếc thúng chai luôn gắn bó mật thiết với đời sống của ngư dân các xã ven biển .  

Thúng chai tại cơ sở xã Tam Giang, huyện Núi Thành
Thúng chai tại cơ sở xã Tam Giang, huyện Núi Thành

             Nghề truyền thống

  Đặt biệt địa phương này có đội tàu đánh bắt xa bờ - câu mực khơi rất lớn. Mỗi tàu câu mực có khoảng 30 đến 40 bạn cùng đi, tùy theo công suất của tàu. Bạn tàu tự sắm một cái thúng và chịu trách nhiệm câu mực, phơi mực, bỏ vào bao, sản phẩm bạn nào câu được đều được chủ tàu ghi lại cẩn thận, sau khi vào bờ bán mực ăn chia phần trăm theo sự thỏa thuận giữa hai bên.

Ông Hồ Văn Thà, thôn Bình Trung, xã Tam Hải, huyện Núi Thành là người chuyên đan thúng cho biết: Thúng chai có nhiều loại, thúng nhỏ đường kính khoảng 70 cm dùng để kéo bình điện, vật dụng để bắt cá, tôm… ở khu vực sát bờ. Thúng trung đường kính 2m để đi đánh bắt gần bờ, làm phương tiện đi lại trên biển, nuôi tôm, nuôi cá....Thúng lớn còn gọi là thúng câu mực đường kính trên 3m dùng để đi câu mực ở các vùng biển xa bờ. Để đáp ứng nhu cầu thúng chai cho ngư dân, ở các xã ven biển đều có các nhóm thợ, có nơi thành lập cơ sở chuyên sửa chữa, đan thúng.

           Anh Lương Thế Vĩnh, chủ cơ sở đan thúng Thế Vĩnh thôn An Tây, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam cho biết, một năm anh nhận đan khoảng 20 cái thúng đa số là thúng câu mực. Nếu ngư dân cần gấp thì cơ sở anh mỗi ngày cần 8 người làm, mỗi người một công đoạn từ chẽ nan, vót nan, vót vành, đan, trét....

Ông Lương Công Cưu bố của anh Lương Thế Vĩnh đồng thời cũng là người truyền lại nghề này cho anh Vĩnh cho biết, bây giờ già rồi không còn sức để đan, nức được nữa nên truyền lại cho con trai, còn mình chỉ làm công đoạn vót nan. Để đan một cái thúng câu mực cần khoảng 40 cây tre, tre phải già vừa phải và đẹp, một cây tre chỉ lấy được phần giữa và gốc còn ngọn bỏ, mỗi cây vót được 8 nan. Để đủ nan đan một cái thúng 2 người vừa chẽ vừa vót liên tục năm ngày, nan đan thúng là nan cật (phần ngoài cùng của lóng tre), sau đó phơi cho thật khô. Có nan rồi, đầu tiên ta đan mê, đan nan hai, từ 4 đến 5 công mới đan xong một cái mê, sau đó đóng cọc tạo hình, lận vành, nức vành, trét phân bò, quét dầu rái, làm rã, giường ngồi là xong một cái thúng.

Trong các công đoạn làm thuyền thúng thì công đoạn tạo hình, lận vành là khó nhất, đây là khâu quyết định đến độ cân bằng, độ trôi của  thúng và an toàn của ngư dân, vì vậy khâu này cần phải có người làm kinh nghiệm chỉ huy mới thực hiện tốt được.  

Sau khi tạo hình và làm vành xong, lấy phân bò tươi trét thật kín các khe nan rồi đem phơi, sau khi phân bò khô, xả ra, trét tiếp một lần nữa, làm như vậy cho được ba lần, sau đó quét dầu rái cũng làm cho được ba lần. Sau cùng là khâu làm rã bên trong, làm giường ngồi, quét lại dầu rái bên ngoài. 

Ông Phạm Vũ Tuấn thôn Hòa An, xã Tam Giang, huyện Núi Thành một người chuyên đan thúng cho ngư dân cho biết, một chiếc thúng câu mực hiện nay có giá từ 11 đến 13 triệu đồng. Để làm thúng, cơ sở phải có mặt bằng để chất nguyên liệu, phơi nguyên liệu, rồi đan...bên cạnh đó con người cũng rất quan trọng. Cơ sở của ông hiện nay người ta đặt nhiều nhưng không nhận hết được, bởi vì mặt bằng nhỏ, tuổi đã lớn.

Nổi lo nguyên liệu và sức sống của nghề

Ông Phạm Vũ Tuấn cho biết, nghề đan thúng không phức tạp lắm, chỉ cần để ý một thời gian ngắn là có thể làm được cho nên không lo là không có người làm, chỉ lo là thiếu nguyên liệu làm thúng. 

Thúng được làm chủ yếu bằng tre, hiện nay, do quá trình đô thị hóa nông thôn, các cơ sở làm đũa, đan lác...nên các địa phương còn rất ít tre. Để có tre làm thúng cơ sở phải có người đến các huyện vùng trung du để mua tre, thuê xe chở về, một cây tre đến nhà tính ra là 50 ngàn đồng. Nhiều khi tìm không ra tre phải đến các cơ sở làm đũa để lấy lại với giá 70 ngàn một cây.

Một trong những nguyên liệu không thể thiếu để làm thúng nữa là phân bò và dầu rái. Phân bò cũng phải đi mua lại của người dân, phải là phân tươi, không dính đất, lá cây hoặc rơm. Mà bây giờ bà con nuôi bò bằng thức ăn tinh bột chủ yếu nên tìm phân bò chất lượng cũng khó. Dầu rái thì các cơ sở chở đến bỏ, 1 thùng 18 kg thời điểm hiện tại có giá 700.000đ, một cái thúng câu mực tốn 1 thùng rưỡi.

Mặc dù hiện nay trên thị trường đã có thúng làm bằng chất liệu composite nhưng ngư dân vẫn chuộn thúng đan bằng nan tre truyền thống. Theo ông Tuấn,  thúng đan có ma sát độ trôi chuẩn, khi bị hỏng có thể sửa chữa được. Nếu có hỏng thì chỉ có bong tróc dầu rái bên ngoài hoặc hỏng vành, rã, sau mỗi mùa đánh bắt về ngư dân thường đánh dầu rái, và sữa chữa lại. Nếu được bảo quản tốt, thúng có tuổi thọ 7 đến 10 năm.

Vừa qua tàu Trung Quốc liên tục uy hiếp, thu lưới, phá hoại, đâm chìm tàu cá của ngư dân và có những hành động làm phức tạp tình hình trên vùng biển ngư dân đang đánh bắt. Tuy nhiên, ngư dân huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam không hề nao núng, sợ hải mà trái lại càng đoàn kết, quyết tâm hơn để bám ngư trường góp phần gìn giữ chủ quyền biển đảo quê hương. Một khi nghề đánh bắt hải sản còn, thì nghề đan thúng truyền thống vẫn còn để tiếp sức cho những tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân.

Bên cạnh nghề đan thúng để phục vụ cho ngư dân đánh bắt, đi lại trên biển, thì nay ở một số địa phương đan thúng còn để phục vụ cho du lịch... và đã được xuất ngoại - góp phần quảng bá nét độc đáo của nghề truyền thống đan thúng đến với bè bạn quốc tế. 



Tác giả: Trần vũ

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Tin mới

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BẢO TÀNG TỈNH QUẢNG NAM
Địa chỉ: 281 – Phan Bội Châu, Tam Kỳ, Quảng Nam
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

Tổng số lượt truy cập