ICOM (International Couneil of Museums)-Hội đồng Quốc tế các Bảo tàng, được thành lập vào tháng 11 năm 1946, tại Paris, Pháp. Tháng 10 năm 1986, tại Đại Hội đồng lần thứ 15, họp tại Ác-chen-ti-na, đã thông qua Quy chế Đạo đức Nghề nghiệp của Bảo tàng. Quy chế này đã được sửa đổi tại cuộc họp Đại hội đồng lần thứ XX tại Barcelona ngày 07/6/2001 và đã được chỉnh sửa vào kỳ họp lần thứ XXI tại Seoul (Hàn Quốc) vào tháng 10 năm 2004.
Có thể nói ICOM với hệ thống quy chế có tính khu biệt trong hoạt động ngành cụ thể. Tuy nhiên, hiệu ứng tác động đến nhận thức về ý thức tiếp cận, giữ gìn và khai thác các giá trị văn hóa vô cùng lớn trong lĩnh vực văn hóa nói chung. Nhằm triển khai sâu rộng và hiệu quả những vấn đề và quy tắc trong ICOM, sau khi luật Di sản ra đời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành qui định về tiêu chuẩn, trách nhiệm của cán bộ và người thực hành bảo quản hiện vật bảo tàng. Đây được xem là một bước tiến quan trọng nhằm tăng cường sự nhận thức đối với những người làm công tác bảo tàng nói chung và công tác kiểm kê bảo quản nói riêng.
Trở lại ICOM với nguyên tắc “Các thành viên của Bảo tàng cần tuân thủ các quy chuẩn và các luật định thông qua ủng hộ giá trị và vinh danh nghề nghiệp của mình. Họ cần bảo vệ công chúng khỏi những hoạt động nghề nghiệp không có đạo lý và bất hợp pháp. Mỗi cơ hội cần được tận dụng để thông báo và đào tạo cho công chúng về mục đích và mong muốn của nghề nghiệp nhằm phát triển nhận thức của công chúng về những đóng góp của Bảo tàng cho xã hội”, chúng ta có thể thấy rằng cần phải nắm vững nguyên tắc này, từ đó tìm hiểu sâu hơn về đạo đức nghề nghiệp của ngành mình đang làm và đang phụ trách. Đó là những vấn đề:
- Sự hiểu biết về Luật định có liên quan.
- Có trách nhiệm về chuyên môn.
- Hoạt động chuyên nghiệp.
- Trách nhiệm khoa học và học thuật.
- Thị trường trái phép.
- Bảo mật.
- Bảo tàng và an ninh cho sưu tập.
- Ngoại lệ đối với nghĩa vụ bảo mật.
- Tính độc lập cá nhân.
- Quan hệ nghề nghiệp.
- Tư vấn chuyên môn.
Từ những vấn đề trên, chúng ta nhận thức được rằng, mỗi một thành viên, nhất là người đứng đầu của Bảo tàng cần phải nắm vững những thông tin về luật định Quốc tế, Quốc gia và địa phương; nhất là đối với Bảo tàng ở địa phương, cần tuân thủ Luật Di sản Văn hóa; những quy định của Chính phủ, thông tư của Bộ, Cục, của UBND Tỉnh về ngành mình để tránh tình trạng hoạt động không đúng nguyên tắc,
Về chuyên môn, họ cần phải có nghĩa vụ tuân thủ các chính sách và các thủ tục của tổ chức họ đang công tác; bên cạnh đó, họ có thể từ chối một cách thẳng thắng và hợp lý đối với những hoạt động gây phương hại đến ngành, đến nghề nghiệp và đạo đức nghề nghiệp của mình.
Trong hoạt động chuyên nghiệp, những người làm công tác bảo tàng cần phải đọc, tìm hiểu và tuân thủ những điều khoản của ICOM, đó là chuẩn mực đạo đức và nên tìm hiểu về những chuẩn mực khác có liên quan đến ngành mình; đồng thời họ cần phải phát triển tư duy về nghiên cứu khoa học, bảo quản và xử lý những thông tin trong sưu tập của bảo tàng, tránh xảy ra hoặc phạm phải những hoạt động hay tình huống có thể gây ra mất mát các dữ liệu khoa học và học thuật của bảo tàng mình đang công tác.
Điều cần và cố tránh hoàn toàn tất cả những trường hợp tham gia buôn bán hoặc hỗ trợ việc vận chuyển trái phép những di sản văn hóa và tự nhiên trong bất cứ hành vi nào, dù trực tiếp hoặc gián tiếp. Bên cạnh đó, những thông tin về bảo tàng mình cần được bảo mật, nhất là những hiện vật được mang đến bảo tàng để thẩm định đều tuyệt đối giữ bí mật và không được công bố hoặc chuyển thông tin đó cho tổ chức hoặc cá nhân khác mà không có sự đồng ý hoặc ủy quyền của chủ sở hữu. Tuy nhiên, việc bảo mật cũng có những trường hợp ngoại lệ, việc đó phải tuân thủ theo nghĩa vụ pháp lý, nhằm hỗ trợ cho các cơ quan chức năng, ngành Công an điều tra khi tài sản, hiện vật đó bị đánh cắp hoặc vận chuyển trái phép.
Tuy chưa là thành viên của ICOM, nhưng mỗi cán bộ bảo tàng Quảng Nam vẫn ý thức được quyền độc lập trong mỗi cá nhân-người làm công tác chuyên môn là không tách khỏi tập thể. Chính điều này giúp cho cá nhân có mối quan hệ ràng buộc và giúp cho cá nhân đó có mối quan hệ công việc giữa các đồng nghiệp, từ đó có ý kiến trao đổi, học hỏi để ngày càng nâng cao nhân thức và tay nghề của mình. Công việc chuyên môn của bảo tàng rất đa dạng và khoa học nên mạng lưới cộng tác viên, các đồng nghiệp sẽ tư vấn cho bảo tàng khi chuyên môn về một lĩnh vực nào đó mà bảo tàng chưa am hiểu hết.
Từ những vấn đề trên, với tư cách là một cựu Bảo tàng viên, tôi có một vài suy nghĩ:
- Nhận lãnh trách nhiệm của một người đứng đầu trong công tác bảo tàng ở một địa phương, ngoài lĩnh vực phải nắm bắt những thông tin về luật định, những quy chế, quy định của Quốc tế, Quốc gia và nhất là của địa phương để chuyển tải những thông tin đó cho cán bộ, nhân viên, nhằm trang bị cho họ những kỷ năng chuyên môn, đồng thời trau dồi chuyên môn một cách nghiêm túc, tránh tình trạng sai sót không đáng có trong công tác này . Đấy chính là tiêu chí đầu tiên để thực hiện tốt Quy chế Đạo đức Bảo tàng.
- Cần có quan hệ rộng rãi và nghiêm túc để học hỏi những kinh nghiệm của các đồng nghiệp, của các cơ quan hữu quan để phát huy khả năng nghề nghiệp cho cá nhân, nhằm giúp cho các thành viên của đơn vị mình nắm bắt những kiến thức khoa học trong lĩnh vực công tác, không nên chủ quan, xem nhẹ các ngành chức năng hỗ trợ cho công tác bảo tàng, nhằm phục vụ tốt cho công tác nghiên cứu và trưng bày.
- Cần nắm bắt những quy định về chức năng, nhiệm vụ, chính sách sưu tầm hiện vật (phần này có dịp chúng tôi sẽ đề cập đến) bảo tàng và những nguyên tắc của nó để tránh những sai sót đáng tiếc xảy ra trong quá trình sưu tầm cũng như tiếp nhận hiện vật, làm mất đi tính chân thật của hiện vật khi đưa vào bảo tàng.
Đây chỉ là suy nghĩ của cá nhân sau khi tiếp thu những tài liệu cũng như những ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp trong quá trình tập huấn, hy vọng rằng, những người làm công tác Bảo tàng có thêm những chia sẻ ý nghĩa nhằm góp phần đưa sự nghiệp bảo tàng ngày càng tiến hơn./.