Công tác sưu tầm có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động của bảo tàng, nó tạo ra cơ sở vật chất-những hiện vật gốc, những nguồn tư liệu đầu tiên của nhận thức về các sự kiện, hiện tượng, quá trình của lịch sử phát triển tự nhiên và xã hội. Công tác sưu tầm được xem như sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong mọi hoạt động của Bảo tàng, là điều kiện, nền tảng quyết định cho sự ra đời cũng như sự tồn tại và phát triển của một Bảo tàng. Các hoạt động của Bảo tàng như nghiên cứu khoa học, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, hướng dẫn tham quan, giáo dục khoa học đều dựa trên cơ sở các sưu tập hiện vật bảo tàng, đó chính là đặc trưng để phân biệt bảo tàng với các cơ quan văn hóa, khoa học giáo dục khác.
Sau khi tái lập tỉnh, Bảo tàng tỉnh Quảng Nam được thành lập theo Quyết định số 415/QĐ-UB ngày 20/3/1997 của UBND tỉnh Quảng Nam trên cơ sở chia tách Bảo tàng tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ). Tuy nhiên, những tư liệu và hiện vật, đặc biệt là hiện vật kháng chiến đã sưu tầm từ năm 1975 đến 1997 vẫn được giữ lại tại Đà Nẵng. Từ khi được thành lập đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo cho Bảo tàng Quảng Nam tổ chức nhiều đợt sưu tầm hiện vật ở tất cả các huyện, thị, thành phố trong tỉnh để phục vụ cho công tác trưng bày khi công trình Bảo tàng được khánh thành đưa vào sử dụng. Đến nay, được sự quan tâm của các cấp, các ngành Bảo tàng Quảng Nam đã chính thức có trụ sở mới quy mô, hoành tráng, mở cửa khánh thành nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Nam (24/3/2014). Trong thời gian tới, bảo tàng Quảng Nam sẽ được trưng bày một cách quy mô, hiện đại và hấp dẫn với diện tích trưng bày cố định trong nhà lên đến gần 3.000m2 và sử dụng cả một khuôn viên rộng lớn để tổ chức trưng bày ngoài trời. Vì vậy, việc sưu tầm bổ sung tư liệu, hiện vật để làm phong phú thêm các trưng bày cũng như phục vụ cho công tác tham quan, nghiên cứu, học tập là điều cần thiết.
Chính vì lẽ đó, Bảo tàng luôn chú trọng đến công tác sưu tầm, coi đó là hoạt động thường xuyên, liên tục và lâu dài. Công tác sưu tầm hiện vật bảo tàng đòi hỏi sự nghiêm túc về tổng hợp thông tin, phân tích, đối chiếu các nguồn sử liệu khác để có được những đánh giá chính xác và khoa học đòi hỏi những người làm công tác sưu tầm, phải là người có tâm huyết, có trình độ nhất định, tạo niềm tin, sự nhiệt tình hợp tác từ phía chủ hiện vật khi hiến tặng hoặc sang nhượng cho Bảo tàng và luôn trau dồi kiến thức để thực hiện công tác sưu tầm đạt kết quả tốt. Trong những năm qua, những cán bộ làm công tác sưu tầm đã không quản ngại khó khăn, gian khổ đi đến các bản làng xa xôi hẻo lánh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các vùng căn cứ cách mạng với hệ thống đường giao thông hết sức khó khăn, gian khổ, nhất là vào mùa mưa đường sá lầy lội, có khi phải đi bộ hàng chục cây số để sưu tầm được những hiện vật tiêu biểu, đặc sắc về văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, hiện vật ngành nghề truyền thống cũng như những hiện vật kháng chiến cách mạng trên địa bàn tỉnh.
Để công tác sưu tầm đạt hiệu quả, Bảo tàng đã tổ chức các đợt sưu tầm có định hướng trên khắp địa bàn của tỉnh, gặp gỡ, liên hệ với các chứng nhân lịch sử, các tổ chức, các nhà sưu tập cổ vật tại các địa phương trong và ngoài tỉnh như ông Đoàn Anh Tuấn (Trung tâm UNESCO nghiên cứu bảo tồn cổ vật Việt Nam), nhà sưu tập Lâm Dũ Xênh (Châu Ổ, Quảng Ngãi), bà Nguyễn Thị Hạnh Dung (Công ty Đoàn Ánh Dương), Phòng Kỹ thuật (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh)…, đặc biệt là các cá nhân lưu giữ hiện vật, các vị lão thành cách mạng - những người đã sống và làm việc trong những giai đoạn lịch sử cụ thể ở địa phương, có thể cung cấp và lưu giữ những tài liệu, hiện vật có giá trị. Ngoài ra, Bảo tàng đã từng bước thiết lập mối quan hệ tốt với các hội đoàn thể ở địa phương như Mặt trận, Hội Cựu chiến binh, Hội tù yêu nước, Hội Phụ nữ, Nông dân…, các vị già làng, trưởng bản ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số; các vị trưởng các tộc, họ… cùng với nhiều hình thức khác nhau để các đồng chí cựu chiến binh, nhân dân biết và tạo điều kiện, giúp đỡ cho cán bộ bảo tàng trong quá trình đi sưu tầm hiện vật và kịp thời thông tin cho Bảo tàng khi phát hiện những tư liệu, hiện vật có giá trị. Đây chính là một trong những nhân tố giúp cán bộ sưu tầm có điều kiện thuận lợi tiếp xúc trực tiếp với nhân dân, góp phần thúc đẩy công tác sưu tầm của Bảo tàng ngày càng đạt kết quả cao.
Điều này được thể hiện qua số lượng hiện vật mà bảo tàng sưu tầm và lưu giữ được với hàng ngàn tư liệu và hiện vật gốc đã được sưu tầm, xây dựng và bổ sung cho các bộ sưu tập, trong đó có nhiều hiện vật giá trị, mang nội dung sâu sắc và có tính thẩm mỹ cao, cụ thể hơn 200 đơn vị hiện vật Chăm, gần 800 đơn vị hiện vật dân tộc và các ngành nghề truyền thống, trên 500 đơn vị hiện vật lịch sử - kháng chiến, trên 10.000 đơn vị hiện vật thời tiền sơ sử, 200 hiện vật về văn hóa-nghệ thuật, trên 8.000 hiện vật gốm sứ Chu Đậu… Chính vì xác định định hướng như vậy nên hiện nay Bảo tàng Quảng Nam cơ bản đã hoàn thiện nhiều bộ sưu tập theo chuyên đề có giá trị, các bộ sưu tập về Thời Tiền sơ sử, Văn hóa Chăm-pa, Văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, ngành nghề truyền thống, Gốm sứ Chu Đậu và Lịch sử đấu tranh cách mạng của quân và dân Quảng Nam… Bên cạnh đó, ở Bảo tàng còn có rất nhiều tư liệu quý như tài liệu, phim ảnh về văn hóa truyền thống các dân tộc miền núi Quảng Nam, về quá trình đấu tranh cách mạng của Đảng bộ, quân và dân Quảng Nam trong hai cuộc kháng chiến cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Tuy nhiên, công tác sưu tầm cũng còn những bất cập do điều kiện khách quan và chủ quan mang lại, nhất là kinh phí dành cho sưu tầm và sang nhượng hiện vật còn hạn hẹp, cán bộ làm công tác sưu tầm không có nhiều cơ hội tập huấn nâng cao khả năng nghiệp vụ. Mặt khác, trong những năm đầu thành lập hiện vật sưu tầm được chủ yếu là hiện vật dân tộc học, hiện vật khảo cổ và sưu tầm được rất ít hiện vật về cách mạng kháng chiến và tài nguyên thiên nhiên, vì vậy mà các hiện vật thể khối lớn về cách mạng kháng chiến, hiện vật về tài nguyên thiên nhiên hiện nay chưa sưu tầm được hoặc rất khó sưu tầm, nên trong công tác trưng bày giáo dục truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến sẽ đơn điệu. Do nguồn kinh phí hàng năm hạn chế, hầu như chủ yếu sưu tầm những hiện vật nhỏ, lẻ ít tiền, chưa đủ kinh phí để sưu tầm thành một bộ sưu tập, những hiện vật có giá trị cao như khoáng sản quý, gỗ hóa thạch, hiện vật cách mạng kháng chiến có thể khối lớn như xe tăng, máy bay,… Đội ngũ cán bộ, viên chức làm công tác chuyên môn được đào tạo về chuyên ngành bảo tàng mỏng, từ đó trong quá trình triển khai công tác sưu tầm gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó còn có những quy định khác của nhà nước, các đơn vị nghiên cứu khoa học và cá nhân đều được thực hiện việc sưu tầm, thu thập tư liệu hiện vật quý, hiếm làm tư liệu cho cá nhân để sử dụng nghiên cứu cho các đề tài, các công trình khoa học của bản thân. Đặc biệt qua các thời kỳ lịch sử thăng trầm của đất nước cũng như quá trình chia tách tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng nên có một số tư liệu, hiện vật quý hiếm của tỉnh Quảng Nam hiện đang được lưu giữ Bảo tàng Đà Nẵng và ở các Trung tâm Lưu trữ Quốc gia, các bảo tàng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ngoài ra công tác sưu tầm trong những năm qua còn gặp một số khó khăn, trở ngại đó là việc hầu hết tư liệu, hiện vật đang được lưu giữ trong nhân dân đều chưa được áp dụng chế độ bảo quản khoa học mà hoàn toàn bảo quản trong điều kiện tự nhiên. Tình trạng này dẫn đến hiện vật quý hiếm đang đứng trước nguy cơ mai một và mất dần đi. Bên cạnh đó là việc những nhân chứng lịch sử, tuổi ngày càng cao, điều đó đồng nghĩa với tình trạng ngày càng mất đi cơ hội làm rõ những sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương… Thêm vào đó là nhận thức của chủ sở hữu về ý nghĩa của hiện vật. Đôi khi cán bộ bảo tàng đi sưu tầm hiện vật lại bị tưởng lầm là người mua bán cổ vật nên hét giá lên cao một cách không hợp lý. Vì vậy bên cạnh công tác sưu tầm, cán bộ bảo tàng cũng nhiều lần cũng làm công tác truyên truyền vận động, nâng cao nhận thức và sự hiểu biết về truyền thống, về lòng tự hào đối với di sản văn hóa dân tộc để chủ nhân hiện vật hiểu mà hiến tặng hoặc sang nhượng cho bảo tàng qua đó lưu giữ được những hiện vật có giá trị không để thất thoát khỏi địa phương.
Nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển của Bảo tàng Quảng Nam trong gần 20 năm qua, đặc biệt là công tác sưu tầm hiện vật, có thể tự hào vì những gì mà Bảo tàng đã thực hiện được. Những hiện vật, đã được sưu tầm sẽ tạo tiền đề và định hình vững chắc cho bảo tàng, khẳng định được vị thế của mình trong lĩnh vực văn hóa ở địa phương và cả nước. Với lòng yêu nghề và sự nhiệt huyết với văn hóa, vùng đất Quảng Nam, cán bộ làm công tác sưu tầm hiện vật luôn tìm tòi nghiên cứu và hoàn thiện kỹ năng nghiệp vụ thực hiện tốt công việc chuyên môn, không ngừng sưu tầm và bổ sung nhiều hơn nữa các bộ sưu tập hiện vật, tư liệu để qua đó nâng tầm và lưu giữ những giá trị về lịch sử, những bản sắc văn hóa vật thể và phi vật thể của tỉnh nhà, đồng thời góp phần vào công tác giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau.