Sưu tầm

BẢO TÀNG QUẢNG NAM VÀ HÀNH TRÌNH 20 NĂM SƯU TẦM HIỆN VẬT DÂN TỘC THIỂU SỐ

Ngày đăng: 20:35 | 31/01 Lượt xem: 1582

​      Còn​ nhớ, vào khoảng giữa năm 1997, khi mới được tiếp nhận vào làm việc tại Bảo tàng Quảng Nam, cơ ngơi mượn tạm của Trung tâm Văn hóa Thể thao thị xã Tam Kỳ, tại số 56, đường Trần Cao Vân để làm việc. Những cán bộ như tôi phải sắp xếp bàn ghế ngồi làm việc xung quanh nhau trong phòng 50m2 Âu đó cũng một thời gian khó chung của một tỉnh mới vừa tái lập.

Gùi là vật dụng được các dân tộc thiểu số ở Quảng Nam sử dụng để vận chuyển nông sản... khá phổ biến
Gùi là vật dụng được các dân tộc thiểu số ở Quảng Nam sử dụng để vận chuyển nông sản... khá phổ biến. Ảnh: TV.

                 Phòng Nghiệp vụ lúc đó với 5 cán bộ làm công việc chuyên môn của bảo tàng lúc bấy giờ, nhưng tất cả đều còn rất trẻ và nhiệt huyết trong khi kinh phí hoạt động của bảo tàng không được là bao nên rất khó khăn trong công tác sưu tầm hiện vật, đặc biệt là hiện vật của đồng bào thiểu số miền núi trên địa bàn tỉnh.

               Vào thời kỳ đầu mới thành lập, hoạt động chủ yếu trong giai đoạn này của phòng Nghiệp vụ là tập trung công tác khai quật khảo cổ học tàu đắm Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam), và công tác bảo tồn di tích, vừa lập hồ sơ khoa học cho di tích kiến trúc nghệ thuật, văn hóa, lịch sử cách mạng, danh thắng; vừa làm hướng dẫn viên ở các di tích trên địa bàn toàn tỉnh, tham gia cùng Ngành Văn hóa thực hiện đề tài lễ hội miền núi, vừa làm công tác sưu tầm, kiểm kê bảo quản hiện vật, v.v…Nên nhìn chung, hiệu quả công việc chưa cao, chưa phát huy hết khả năng vốn có của cán bộ bảo tàng. Bên cạnh đó, những hiện vật sau khi sưu tầm về, thời gian này phải gửi tạm tại Bảo tàng Tam Kỳ. Mãi đến giữa năm 2000, khi nhà kho bảo tàng hiện nay được khởi công xây dựng và hoàn thành thì số hiện vật này mới chuyển về lưu giữ, bảo quản tại đây.

                Những năm tiếp theo, công tác nghiên cứu sưu tầm ở Bảo tàng Quảng Nam nói chung, và sưu tầm hiện vật dân tộc thiểu số nói riêng được đẩy mạnh hơn khi có sự quan tâm của lãnh đạo Sở và Bộ Văn hóa Thông tin cấp kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia, để thực hiện đề tài sưu tầm hiện vật về văn hóa, dân tộc, đã giúp Bảo tàng Quảng Nam chủ động trong công tác sưu tầm hiện vật dân tộc thiểu số. Tổ chức được những đợt đi khảo sát thực tế tại một số địa bàn các xã miền núi trong tỉnh. Những cung đường từ Tam Kỳ đi huyện Đông Giang, Tây Giang, Phước Sơn, Nam Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My ngày nay luôn ám ảnh với những cán bộ sưu tầm mới vào nghề. Để tạo điều kiện cho cán bộ đi công tác vùng núi, nhiều lúc Lãnh đạo Bảo tàng điều động xe UWoát làm phương tiện đưa cán bộ sưu tầm về các huyện miền núi kể trên. Vì vậy mà thời gian sưu tầm cũng tăng dần từ 6 đến 7 ngày cho một chuyến công tác. Với phương châm “cùng ăn, cùng ở”, cán bộ sưu tầm thường đi riêng lẻ bằng phương tiện xe khách, đôi khi một chiếc xe gắn máy cá nhân, đổ đầy xăng và hành trang một chiếc ba lô với những vật dụng thiết yếu, là đủ để bắt đầu cho một chuyến đi công tác dài ngày đến với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi có thể sưu tầm nhiều hiện vật văn hóa. Mọi việc, từ ăn ở, sinh hoạt đều nhờ chính quyền sở tại, hay cán bộ văn hóa xã và sự đùm bọc, giúp đỡ của các già làng, trưởng bản trong suốt quá trình cán bộ về điền dã, khảo sát để sưu tầm hiện vật. Và cứ sau một chuyến đi như thế, cán bộ sưu tầm đã mang về đủ thứ vật dùng liên quan đến đời sống sinh hoạt văn hóa và kinh tế nương rẫy của đồng bào thiểu số để làm hiện vật trưng bày

               Mặc dù lúc đó chưa có nhà trưng bày, số lượng hiện vật qua một thời gian ngắn sưu tầm cũng không hề thua kém các bảo tàng lớn trên cả nước. Sưu tập hiện vật của Bảo tàng Quảng Nam đã lên đến con số hàng chục nghìn đơn vị từ năm 2010, trong đó bộ sưu tập hiện vật đặc trưng về đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của các dân tộc thiểu số ở miền núi Quảng Nam, cũng xấp xỉ 500 hiện vật. Tuy vậy, công tác nghiên cứu sưu tầm hiện vật dân tộc thiểu số ở Bảo tàng Quảng Nam vẫn luôn được chú trọng, nhằm bổ sung cho các nội dung chuyên sâu theo chuyên đề của từng dân tộc. Trên cơ sở kế hoạch từ đầu năm, cán bộ sưu tầm hiện vật dân tộc luôn chủ động lập kế hoạch, xây dựng đề cương sưu tầm để triển khai công tác kịp thời. Các chuyến đi khảo sát về vùng cư trú của đồng bào dân tộc miền núi Quảng Nam cũng được tăng cường dài ngày và số hiện vật dân tộc học được sưu tầm về bảo tàng cũng tăng lên đáng kể. Đến nay, đáng chú ý nhiều hiện vật riêng lẻ trong những năm này đã được bổ sung thành những bộ sưu tập quý hiếm, phải kể đến: Bộ cồng chiêng của dân tộc Cor, GiẻTriêng, Cơ Tu, Xơ Đăng; Bộ sưu tập giáo mác; Bộ sưu tập trang phục của các dân tộc Cơ Tu,  Giẻ Triêng, Cor, Cadong, Xơ Đăng; Bộ sưu tập về nghề dệt và nghề đan lát của dân tộc người Cơtu; Bộ sưu tập nghề đan lát của dân tộc Cor; Bộ sưu tập điêu khắc gỗ ở gươl làng Cơtu…đã minh chứng cho sự miệt mài và lòng say mê nghề nghiệp của cán bộ làm công việc chuyên môn của Bảo tàng Quảng Nam.

              Có được kết quả đó là do cán bộ làm công tác nghiên cứu sưu tầm đã chủ động tiếp xúc, nghiên cứu, khảo sát các thông tin liên quan trực tiếp tại địa bàn miền núi, nơi có hiện vật được phát hiện. Công tác nghiên cứu và hoạt động sưu tầm của Phòng Nghiệp vụ đã chú trọng đẩy mạnh và đạt những thành công bước đầu, nhằm bổ sung cho kho cơ sở và xây dựng những bộ sưu tập hiện vật, cũng như đổi mới nâng cao chất lượng nội dung trưng bày bảo tàng sau này.

             Tuy nhiên, do điều kiện khách quan và chủ quan mang lại, nhất là kinh phí dành cho hoạt động bảo tàng còn khiêm tốn, do đó, công tác nghiên cứu, sưu tầm hiện vật của Bảo tàng Quảng Nam có phần khó khăn. Mặt khác, hiện vật dân tộc học ngày càng ít dần, cùng với xu hướng giao lưu tiếp biến văn hóa với người Việt và các dân tộc sống cộng cư nên có sựu trao đổi, mua bán qua hoạt động du lịch và sự chủ động thay mới của chủ nhân. Vì vậy, nguy cơ các dân tộc thiểu số trong tỉnh có xu hướng phai nhạt dần bản sắc dân tộc, không còn lưu giữ những hiện vật có giá trị về văn hóa truyền thống của dân tộc mình, sẽ là điều khó khăn cho công tác sưu tầm trong thời kỳ hiện nay. Hơn nữa việc thực hiện quy định về sưu tầm hiện vật của bảo tàng công lập theo Thông tư 11/2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có nhiều điểm bất cập do quy định về mặt thủ tục rườm rà và rất khó triển khai thực hiện trong hoạt động sưu tầm với tỉnh có địa bàn rộng, có số lượng huyện miềm núi lớn. Bên cạnh đó, cán bộ làm công tác nghiên cứu sưu tầm không có nhiều cơ hội tập huấn nâng cao khả năng nghiệp vụ, vừa làm công tác sưu tầm nhưng cũng kiêm luôn công tác truyên truyền.

               Sưu tầm hiện vật bảo tàng, không chỉ đơn giản là vận động chủ nhân hiến tặng cho bảo tàng. Ở đây, vấn đề còn là nhận thức của chủ sở hữu về ý nghĩa của hiện vật. Đôi khi, cán bộ bảo tàng đi sưu tầm hiện vật lại bị các chủ nhân của nó tưởng lầm là mua bán đồ cổ có giá trị lớn, nên thường ra giá lên cao một cách không hợp lý. Nhiều chuyến đi về vùng miền núi để sưu tầm hiện vật của đồng bào dân tộc đã khó, lại không đem kết quả như mong muốn. Mặc khác, công tác truyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, và sự hiểu biết về truyền thống, về lòng tự hào đối với di sản văn hóa dân tộc mình chưa cao. Điều này, rất cần sự phối hợp của nhiều ban ngành, đoàn thể cũng như chính quyền địa phương các xã miền núi phối hợp tham gia. Chỉ có vậy, thì công tác sưu tầm mới được cải thiện.  

                 Có thể nói, từ khi thành lập đến nay Bảo tàng Quảng Nam đã cho thấy được hướng đi đúng trong phương pháp và biện pháp tiếp cận để sưu tầm hiện vật. Điều đó thể hiện ở số lượng và chất lượng của hiện vật và nội dung của các bộ sưu tập mà Bảo tàng Quảng Nam đã sở hữu. Công tác nghiên cứu sưu tầm của bảo tàng đã và đang làm tốt vai trò, nhiệm vụ của mình góp phần thúc đẩy bảo tàng không ngừng lớn mạnh, khẳng định được vị thế của một bảo tàng tổng hợp trong thời kỳ hội nhập đổi mới, đồng thời thường xuyên bổ sung cho kho cơ sở và xây dựng những bộ sưu tập hiện vật, cũng như đổi mới nâng cao chất lượng nội dung trưng bày bảo tàng sau này.

                 Nhìn lại 20 năm hình thành và phát triển của Bảo tàng Quảng Nam, cũng là chặng đường 20 năm gắn liền với nỗ lực của các thế hệ cán bộ, đội ngũ những người tâm huyết làm công tác nghiên cứu sưu tầm nói chung, và những cán bộ sưu tầm hiện vật dân tộc thiểu số ở bảo tàng nói riêng, cũng không nhớ hết mình đã thực hiện bao nhiêu chuyến điền dã để có được một một số bộ sưu tập có giá trị, về văn hóa tộc người thiểu số miền núi Quảng Nam. Xét về giá trị văn hóa, thì những hiện vật này rất có ý nghĩa đối với bảo tàng, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của địa phương, đã giúp Bảo tàng Quảng Nam sở hữu hơn 30 nghìn đơn vị hiện vật đủ các loại hình, trong đó hiện vật dân tộc thiểu số chiếm trên 992 hiện vật (tính đến tháng 5 năm 2017).

              Còn nhiều việc phía trước phải làm, trong đó có việc sưu tầm hiện vật của vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Quảng Nam. Dẫu rằng, những chuyến đi công tác về miền núi ngày còn khó khăn, hiện vật dân tộc thiểu số không còn nhiều. Chỉ biết rằng, miền núi Quảng Nam có một kho tàng văn hóa phong phú, nếu không lưu giữ và bảo tồn thì nguy cơ mai một là khó tránh khỏi. Nhưng với kinh nghiệm nghề nghiệp, cộng với tình yêu quê hương, đất nước, cán bộ Bảo tàng Quảng Nam sẽ không quản ngại khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, luôn xứng đáng với trọng trách mà Ngành Văn hóa tỉnh nhà giao phó./.



Tác giả: Nguyễn Văn Sơn

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Tin mới

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BẢO TÀNG TỈNH QUẢNG NAM
Địa chỉ: 281 – Phan Bội Châu, Tam Kỳ, Quảng Nam
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

Tổng số lượt truy cập