Sưu tầm

LÀNG DỆT CHIẾU BÀN THẠCH

Ngày đăng: 17:11 | 17/12 Lượt xem: 1723

“Anh về Bàn Thạch em trải chiếu anh nằm

Tình xưa nghĩa cũ mấy mươi con trăng rằm không phai”

         

Vùng đất Quảng Nam với nhiều làng nghề truyền thống lâu đời đã gắn bó với người dân đất Quảng. Trong đó phải kể đến làng nghề dệt chiếu Bàn Thạch, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam và cũng là tên một thương hiệu chiếu cói được hình thành từ rất sớm vào khoảng thế kỷ XVI, sử cũ chép: “Đầu thời Trịnh-Nguyễn phân tranh (1627-1786), do chiến tranh loạn lạc, người dân từ miền Bắc như Thanh Hóa, Nghệ An đã vượt đèo Hải Vân vào Nam đến địa phận phủ Thăng Hoa thấy đất đai vùng này trù phú, phù hợp với thổ nhưỡng của cây cói, cây đay (nguyên liệu làm chiếu) nên người vùng Nga Sơn-Thanh Hóa quyết định dừng chân tại đây an cư lạc nghiệp, cải tạo đất trồng cói, lập làng nghề dệt chiếu, chợ chiếu”.

Người dân phơi cói để chuẩn bị làm chiếu. Ảnh: TV.
Người dân phơi cói để chuẩn bị làm chiếu. Ảnh: TV.

          Trong tư liệu xứ Đàng Trong năm 1621 Christopher Borri mô tả “ Trong tất cả nhà cửa của người Đàng Trong, dù nghèo nàng đến đâu nữa, người ta cũng giữ hai cách ngồi. Cách ngồi thứ nhất kém hơn là ngồi trên chiếu trải dưới đất bằng và đó là cách ngồi của người cùng cấp bậc, cách thứ hai là ngồi trên giấy bố hay dây da căng thẳng ra có trải chiếu nhỏ và mịn hơn dành cho những người đáng kính hơn”. Như vậy, đầu thế kỷ XVI, chiếu đã trở thành vật dụng vô cùng quan trọng và phổ biến trong tất cả các gia đình của người Đàng Trong. Và hơn thế nữa chiếu cói Bàn Thạch cũng là một cống phẩm cho Triều đình, quý tộc, quan lại ngày xưa. Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn thế kỷ 18 có chép lại “Hàng năm vào mồng một tết, phủ Điện Bàn thường nộp chiếu hoa thay cho sưu lính, dinh Quảng Nam thu chiếu hơn 25 đôi, chiếu miếng nhỏ 5 đôi, chiếu thảm 8 đôi, chiếu phản ngắn 1 đôi, chiếu nhỏ dày 4 đôi, chiếu trơn trải văn miếu 1 đôi, chiểu thảm cạp lụa huyền 1 đôi, cộng 53 đôi. Tại các hạng chiếu trơn khác ở công đường và các chùa miếu xứ ấy là 75 đôi”.

          Trải qua bao thăng trầm và biến cố của thời cuộc nhưng nghề dệt chiếu từ lúc hình thành và về sau có sự phát triển lớn mạnh góp phần vào phát triển kinh tế xã hội cho vùng đất vốn thuần nông. Từ đó nghề dệt chiếu thu hút được nhiều người tham gia, số lượng chiếu tăng đáng kể và trở thành ngành nghề chính sau nông nghiệp. Từ đó nhiều tên làng, tên xóm được gắn liền với nghề như : Đông Thành, Đông Tịnh thôn Đông Bình, Đông Hưng thôn Trà Đông, Thi Lai thôn Hà Thuận. Sản phẩm phát triển nhiều cung ứng cho thị trường ngày càng rộng và chợ chiếu Bàn Thạch được hình thành là đầu mối trung chuyển sản phẩm đi khắp nơi từ miền ngược đến miền xuôi, từ nông thôn đến thành thị.

          Hoạt động của làng nghề thường bắt đầu sau khi đón Tết Nguyên Đán vào ngày mồng 10 tháng Giêng (Âm lịch) hằng năm hay những ngày chẵn trong tháng đầu năm, tùy từng gia đình, và kết thúc vào khoảng 25, 26 tháng Chạp (Âm lịch). Những tháng sau tết Nguyên Đán số lượng khung dệt hoạt động không nhiều vì lực lượng lao động chính tham gia đồng áng, và đánh bắt thủy hải sản. Vào những tháng sau mùa vụ hay mùa mưa gió lượng khung dệt tăng lên đáng kể. Khoảng tháng 9 đến tháng 11, tháng Chạp (Âm lịch) nhu cầu chiếu trên thị trường tăng lên, lực lượng tham gia sản xuất đông đảo với số lượng nhiều chủ yếu là hàng tết, hàng đặt, là loại chiếu có chất lượng cao, bền, mẫu mã đẹp phục vụ cho nhu cầu thẩm mỹ của người tiêu dùng và phục vụ cho đón năm mới. Như vậy sản xuất chiếu cũng phụ thuộc vào thời vụ, các ngành nghề khác và nhu cầu thị trường.  

          Ngày xưa chiếu cói Bàn Thạch không những làm cống phẩm mà xuất hiện trong các hoạt động lễ hội, tín ngưỡng, tiệc tùng, cưới hỏi, ma chay hay quà tặng cho bạn bè, người thân ở xa. Đặc biệt trong những điều kiện hay nhu cầu nào đó, mà những tấm chiếu được trang trí một cách tao nhã và phù hợp thì sẽ làm tôn thêm vẻ đẹp của công trình. Đối với người dân vùng quê, gia đình nào cũng có đôi chiếu để trải nằm. Trong những năm gần đây, địa phương cũng đã chú trọng quan tâm đến làng nghề, giới thiệu sản phẩm rộng rãi trên thị trường và đã tạo được thương hiệu. Sản phẩm chiếu ngày càng nhiều, phong phú về chủng loại, mẫu mã đẹp và chất lượng không những đáp ứng được nhu cầu thị trường trong và ngoài nước mà còn di trì hoạt động hiệu quả làng nghề góp phần vào việc bảo tồn, phát huy giá trị của làng nghề truyền thống chiếu cói Bàn Thạch đã có từ lâu. 



Tác giả: Dương Quang trưởng

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Tin mới

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BẢO TÀNG TỈNH QUẢNG NAM
Địa chỉ: 281 – Phan Bội Châu, Tam Kỳ, Quảng Nam
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

Tổng số lượt truy cập