Gần 20 năm công tác ở Bảo tàng Quảng Nam, nhìn lại chặng đường tác nghiệp đôi khi thấy nuối tiếc vì sự gắn bó không được nhiều.Quảng đời của một nhân viên Bảo tàng buồn, vui lẫn lộn với nhiều kỷ niệm khó quên; Đó là lần đầu tiên được ôm đầu tượng thần Siva từ kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Nam về bảo tàng mà lòng dâng lên một niềm xúc cảm khó tả,không ngờ mình được ôm một bảo vật trong tay (nay đã được công nhận là bảo vật quốc gia) -một điều mà trước đây chưa từng nghĩ tới.
Sưu tầm hiện vật văn hóa biển đảo tại xã Tam Hải, huyện Núi Thành. Ảnh: TV.
Thế rồi thời gian lặng lẽ trôi như nhịp sống thầm lặng vốn có của công việc.Là nhân viên làm công tác Kiểm kê-Bảo quản, hằng ngày tôi âm thầm đối diện với hiện vật,sổ sách. Cho đến khi được điều chuyển qua vị trí công tác Sưu tầm-Trưng bàylại miệt mài rong ruổi trên những dặm đường dài,bất kể nắng mưa chỉ lo không sưu tầm được hiện vật. Có điều, khi tiếp xúc với nhân dân, thì khái niệm bảo tàng hình như còn mới mẻ đối với họ.Nhiều nơi, nhân viên sưu tầm bị đánh đồng với người buôn đồ cổ khi chưa kịp xuất trình giấy tờ liên quan đến chuyến công tác. Và khi đã hiểu rõ mục đích của người sưu tầm thì họ chuyển nhượng hiện vật với giá trên trời. Mặc dù những đồ vật đó trước đây để lăn lóc trong góc nhà,xó bếp hay sau vườn. Có khi trong đợt đi khảo sát họ đã đồng ý chuyển nhượng nhưng đến khi tiếp nhận hiện vật thì đổi ý, viện cớ là con cháu hoặc vợ không bằng lòng. Lắm nhiêu khê !
Bên cạnh những “sự cố nghề nghiệp” thì cũng có những niềm vui. Đó là chuyện xảy ra nhân chuyến sưu tầm hiện vật dân tộc thiểu số ở một huyện miền núi Quảng Nam. Sau một ngày vất vả qua những chặng đường đèo dốc đầy ổ gà, trên chiếc Su 125 phân khối, tôi hỏi thăm nhà thôn trưởng và tìm đến. Sau khi xuất trình giấy tờ liên hệ công tác, ông ta chỉ cho tôi chỗ nghỉ.
Sau vài ly rượu, tôi bắt đầu dùng nghiệp vụ để khai thác thông tin về hiện vật. Khi đã hiểu rõ ý đồ của tôi ông ta cho biết mình có một cái ché giống như chiếc cúp bóng đá, cái ché này do sự tình cờ mà có được. Số là, trong bản có chàng con rễ gài thò bẫy thú,chẳng may ông bố vợ đi rừng vướng phải thò. Anh con rễ và cô vợ vừa thương tiếc vừa hoang mang,lo sợ bởi theo quan niệm của người miền núi đây là cái chết xấu nên họ không muốn dây vào vì sẽ đem lại nhiều điều xúi quẩy cho bản thân và gia đình.Ông thôn trưởng được mời lo việc mai táng với thù lao là một cái ché rất đẹp, một phần là tình người. Một phần là trách nhiệm của thôn và đó coi như chút quà mọn. Nghĩ thế nên ông vui vẻ nhận lời. Sau khi hoàn thành tang lễ, ông được vợ chồng tang chủ dẫn lên nơi cất giấu cái ché. Vì đi ban đêm nên mỗi người phải cầm theo một cây đuốc. Gần nửa đêm thì họ đến nơi, bên cạnh một tảng đá nằm trong cụm cây rừng âm u thoang thoảng khí lạnh, người đàn ông đưa con rựa gạt những đám lá chuối khô để lộ ra một cái ché lấp lánh như ánh sáng pha lê dưới ánh đuốc.Khi đưa nó ra ngoài nhìn kỹ thì có hình vẽ bốn người phụ nữ quấn xà rông đứng giã gạo ở chung quanh thân ché với màu sắc rất đẹp. Họ vội vã đưa ché về nhà ông trưởng thôn trước khi trời sáng. Vì quá nôn nóng, tôi hỏi ông cái ché bây giờ ở đâu? Bán rồi. Ông trưởng thôn trả lời.
Tại không gian trưng bày Di sản văn hóa, biển đảo Quảng Nam tại Quảng trường biển Tam Thanh nhân dịp Festival di sản Quảng Nam lần thứ 6, Bảo tàng Quảng Nam tham gia trưng bày và có treo một bức ảnh bà lão ngồi bán cá giữa một phiên chợ sớm trên bãi biển do cán bộ Bảo tàng Quảng Nam chụp trong một chuyến công tác.Bức ảnh này đã thu hút hàng ngàn lượt người xem. Nhân viên trực nghiệp vụ tìm hiểu thì mới biết đa số người xem bức ảnh này là con cháu,họ hàng và xóm giềng , cứ thế họ rỉ tai nhau rồi sự tò mò, hiếu kỳ đã đưa bước chân họ đến với Bảo tàng.
Vậy đấy, lục tuần đến tuổi nghỉ hưu, có lúc sâu thẳm trong ký ức cảm xúc buồn vui lẫn lộn sau ngần ấy thời gian sống, công tác và có những trải nghiệm thú vị cùng đồng nghiệp trong những chuyến hành trình tìm về quá khứ có lúc gặp chuyện cũ.Chắp nối những lan man như thể gắn kết những cung đường mình đã từng đi qua để sau những sum vầy, sự chia sẻ với đồng nghiệpđể có người hăng say bước tiếp.
Và hy vọng,“Đảm bảo sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng, chỉnh đốn đảng là then chốt với không ngừng nâng cao văn hoá - nền tảng tinh thần của xã hội; tạo nên sự phát triển đồng bộ cả ba lĩnh vực trên chính là điều kiện quyết định để bảo đảm cho sự phát triển toàn diện bền vững của đất nước” như Hội nghị Trung ương 10, Khóa IX đã nêu tạo điều kiện cho mỗi người dân từ miền ngược đến miền xuôi có được ý thức giữ gìn những giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng tạo thuận lợi cho việc tiếp cận, sưu tầm và góp phần vào việc bảo tồn, làm giàu và phát huy giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam nói chung, Quảng Nam nói riêng trong đổi mới và hội nhập.