Tin tức chung

Phan Khôi viết thi thoại

Ngày đăng: 10:07 | 28/12 Lượt xem: 9356

Qua Chương Dân thi thoại, Phan Khôi muốn cảnh báo với những ai không có tài, chẳng có chí, chữ nghĩa đựng không đầy lá mít, nói bắt quờ dăm ba câu cũng gọi là thơ và bắt mọi người công nhận là thơ đến nỗi “cả nước như đã thành ra một cái vô hình thi xã”, thì nên… quên đi.
Chân dung nhà báo, nhà văn hóa Phan Khôi (ảnh tư liệuKTXB).
Chân dung nhà báo, nhà văn hóa Phan Khôi (Ảnh tư liệu KTXB).

Năm 1936, nhà in Đắc Lập (Huế) cho ra mắt bạn đọc cuốn Chương Dân thi thoại (Chương Dân là bút danh của cụ Phan). Ở trang bìa lót, Phan Khôi có thêm dòng chữ phía dưới tên sách: Nguyên danh “Nam Âm thi thoại”. Đây là cuốn sách đầu tiên của Phan Khôi viết bằng chữ Quốc ngữ và chỉ bàn về thơ Nôm.

Chương Dân thi thoại gồm 43 tắc (chương), tức 43 câu chuyện thơ được tác giả chọn lọc từ những bài đăng trong mục Nam Âm thi thoại trên báo Nam Phong, Đông Pháp thời báo, Thần Chung, Phụ nữ tân văn, Trung lập báo… từ 1918 đến 1932.

Thế nào là thơ và thơ hay?

Trong Chương Dân thi thoại, Phan Khôi khẳng định “thi và ca hai lối” chứ thể không gộp chung được. Do đó, muốn phân tích tác phẩm thơ, trước tiên xác định tác phẩm đó có phải là thơ hay không, nếu là thơ thì mới xem tiếp thơ ấy có hay hay không và hay ở chữ nào, câu nào… Nhưng… thế nào là thơ hay?

Phan Khôi viết: “Thơ thế nào là hay? Câu hỏi ấy thật khó trả lời. Vì thơ, chẳng biết lấy cái gì làm thước mà đo, làm cân mà nhắc để biết được dở cùng hay và hay đến mực nào. Bởi vậy cùng một bài thơ, có người cho là hay, có người cho là không hay, tại sự hiểu của người này khác với người kia.

Theo tôi thì bài thơ hay không cốt ở lời mà thôi, cốt ở ý nữa. Cái ý ấy hàm súc trong bài thơ mà không lộ ra. Song cũng không phải là kín đáo mắc mỏ quá; phải làm thế nào cho người ngâm qua thì thấy ý liền, và càng ngâm lại thấy nó dồi dào. Cái ý của bài thơ hay, sau khi ngâm hay đọc, thấy có cái hậu như cái hậu của trà ngon, đằm thắm mà đậm đà, uống vào khỏi cổ rồi mà lưỡi vẫn còn muốn nhắp.

Thơ ta ngày nay nhiều thì có nhiều mà hay thì không mấy hay. Nói theo danh từ mới, ấy là hơn về đằng lượng mà kém về đằng phẩm. Trên các tờ báo, ngày nào lại chẳng có thơ. Đọc qua có bài cũng nghe được, song ít khi thấy cái hậu nói trên đó. Có người nói rằng là tại công phu học vấn còn ít và làm người không được đằm, thì cái tính tình lộ ra trong thơ như thế”.

Đọc Chương Dân thi thoại, chúng ta dễ nhận ra Phan Khôi rất quý thơ hay, chỉ muốn đi tìm những câu thơ, những bài thơ thật sự là thơ. Mở đầu sách, Phan Khôi dẫn bài thơ thất ngôn bát cú của Thượng thư Trần Chí Tín:

Tuổi tác nay đà ngoài sáu mươi/Hơn ai không dám, dám thua ai/Hai bàn tay trắng làm nên nỗi/Một tấm lòng son ở với đời/Lấy phúc mà đong, lo cũng mệt/Có duyên thì gặp dễ như chơi/Xưa nay con tạo xoay vần lẹ/Hết đó rồi đây cũng thảnh thơi”.

Với bài “Tự thuật” này, Phan Khôi viết: “Toàn thiên không dùng một cái điển cố nào, cực kỳ minh sướng, cực kỳ thanh tao mà cực kỳ đôn hậu. Dẫu người không thuộc lịch sử của ngài nữa, đọc qua cũng đủ biết ngài là một vị quan lớn thanh bần. Thi như thế, thật đã vào cảnh tự nhiên”.

Một bài thơ của một người vô danh làm tiễn bạn. Người bạn đó lại là người có chữ nghĩa nên có ý coi thường và hay đem ra đọc cốt để làm trò cười, bởi thơ gì mà như nói chuyện: “Trái mù u trên núi/Chảy xuống cửa Phan Rang/Ông đi về ngoài nớ/Trong lòng tôi chẳng an/Bao giờ ông trở vô/Gặp tôi ở giữa đàng/Nắm tay nói chuyện chơi/Uống rượu cười nghênh ngang!”.

Phan Khôi bình: “Hai câu đầu là thể hứng, mà cái ý hứng rất kỳ! Câu thứ sáu trông lại gặp nhau mà ba chữ “ở giữa đàng” thì lại có cái biệt thú. Toàn bài nhất khí quán hạ, thật cũng có cái cảnh tượng “Trái mù u trên núi, chảy xuống cửa Phan Rang”.

Phan Khôi cho bạn đọc báo Phụ nữ tân văn biết viết thể loại này rất tốn công: “Có một điều xin độc giả lượng cho, là mục Nam Âm thi thoại bắt đầu đăng kỳ này nhưng về sau không phải mỗi kỳ mỗi có. Vì rằng những tài liệu trong mục này không phải biên giả đã có sẵn; còn phải mất công thâu góp mỗi khi một ít rồi mới dồn lại mà viết ra”.

Sự “thâu góp” của Phan Khôi để viết nên thi thoại khá thú vị. Một lần lên Hóc Môn thăm cụ Phan Châu Trinh ở Pháp về, dưỡng bệnh tại nhà người chú ruột của Nguyễn An Ninh là Nguyễn An Cư, hành nghề Đông y. Ông phát hiện tài thơ của vị thầy thuốc này, nhưng vì “Nghề thuốc của ông ta có tiếng, lấp mất nghề làm thơ”, và nào “có ai nói ông Nguyễn An Cư biết làm thơ bao giờ”.

Một lần, Phan Khôi thấy chỗ coi mạch của ông Nguyễn An Cư có dán bài thơ: “Khanh tướng làm chi khó lắm a!/Miễn cho thong thả đặng như già/Sớm sang ghế hạc nhìn câu đối/Tối lại phòng văn trỗi khúc ca/Mọi gỗ hai anh hầu trước cửa/Phật sành ba vị giữ trong nhà/Nếu ai sẵn có lòng tri túc/Thì hãy gần đây bạn với ta”.

Ông kể tiếp: “Nhơn tôi đem bài thơ đó vừa trầm trồ vừa đọc cho người ta nghe, người ta mới lại cho tôi biết thêm một bài nữa của ông Nguyễn, đề là “Diễu vợ”: “Nửa bên Nam Việt, nửa bên tàu/Tác ước trung người chẳng thấp cao/Ghế ỷ dựa lưng xiêu bốn cẳng/Võng gai ghé đít đứt vài tao/Đi ngang cửa sổ ngờ trời tối/Đứng nép buồng trong tưởng đống bao/Ai có năm trên từng thấy ả/Ngày nay mới biết ả ra sao”.

Bài này là một bài về thể khôi hài. Cả bài tả hình dạng một người đàn bà mập, đọc lên nghe phải tức cười. Mà giọng thơ nghe cũng êm êm nhẹ nhẹ như bài trên.

Ông Nguyễn An Cư lại có vài câu đối cũng rặt một giọng văn ấy, nên lục luôn ra đây. Một câu thờ bàn ông Táo ông Địa, ở giữa viết ngay bốn chữ “Ông Táo Ông Địa”, còn hai bên kèm câu đối rằng: “Ít giấy hẹp hòi thờ một chỗ/Giúp tôi giàu có bớ hai ông!”. Một câu dán ở tiệm thuốc Bắc: “Đau tiếc thân, lành tiếc của, thói ở bạc đã quen/Mất lòng trước, được lòng sau, ai có tiền thì hốt!”.

Hai bài thơ trên, tôi thấy đọc cũng vui, cũng có ý tứ, nhưng hai câu đối dán ở bàn thờ “Ông Táo Ông Địa” và ở tiệm thuốc Bắc, tôi nghĩ quả là biệt thú! Không có tài và không có đầu óc trào lộng một chút thì khó mà làm được”.

Bệnh sính làm thơ

Phan Khôi viết: “Cái nghề làm thi không phải là nghề dễ mà ai cũng làm được. Tất nhiên là người có thiên tài, lại phải có học vấn, có luyện tập chầy ngày rồi mới nên được một tay thi nhân. Hiện nay trong xã hội Việt Nam ta, sự học vấn rất là suy kém, thế mà cái nghề ngâm vịnh coi ra có vẻ xương thịnh nhiều. Ấy cũng là một điều lạ. Hoặc giả ấy là cái tình riêng của người mình chăng?

Còn nhớ ngày trước đọc sách “Dinh hoàn chí lược”, trong đó có chỗ nói về An Nam mình rằng: “Sĩ phu họ tính ưa làm thơ rất đỗi, có kẻ làm không nên câu mà cũng thích làm”. Đừng có thấy họ nói vậy mà giận, thật lắm, không oan chút nào.

Kể ra thì hiện nay trong làng ngâm vịnh của ta cũng lắm kẻ có thiên tài, song tiếc một điều là họ không chịu học mấy. Sự học của một bậc thi sĩ tất nhiên phải đủ các tri thức phổ thông như mọi kẻ học khác đã đành, mà lại phải có học chuyên môn về nghề làm thi nữa”.

Đọc một số ý kiến về thơ mà Phan Khôi đã viết cách nay trên dưới 100 năm trong Chương Dân thi thoại, sao tôi cứ thấy nó còn mới rợi: “Người ta hay nói: “Điếc không sợ súng”. Thật vậy, phần nhiều người không có học vấn, không biết thi là cái chi chi, lại hay sính làm thi. Chớ nếu họ chịu học thêm ra, đến ngày họ biết sự ngâm vịnh khó là dường nào thì tự nhiên họ phải né mình mà không dám nghênh ngang trên chốn tao đàn nữa vậy”.

Nhìn chung, qua Chương Dân thi thoại, ta thấy ông ra sức xiển dương lối thơ Nôm, nhất là cách đây trên dưới 100 năm, ngầm ý cho người đọc thấy rằng tiếng Việt thừa khả năng diễn tả những ngóc ngách của tâm hồn của người Việt Nam, không cần vay mượn những điển tích, điển cố đâu xa!

Phan Khôi cho biết: “Thi là một lối văn có vần theo thanh âm từ điệu của một thứ tiếng mà làm ra. Thi thoại là một lối trứ thuật chuyên nói về chuyện làm thi. Trong một quyển Thi thoại thường góp nhặt những bài, những câu thi hay và thường có kèm theo ít nhiều lời bình phẩm, cốt để cho lưu truyền những câu đắc ý của tao khách phong nhân mà mong rằng thi giới nhờ đấy cũng có phần phát đạt”.

Tác giả: Vu Gia

Nguồn tin: Báo Quảng Nam

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Tin mới

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BẢO TÀNG TỈNH QUẢNG NAM
Địa chỉ: 281 – Phan Bội Châu, Tam Kỳ, Quảng Nam
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

Tổng số lượt truy cập