Tin tức chung

Buổi đầu châu Ô xứ Quảng

Ngày đăng: 14:05 | 24/12 Lượt xem: 18844

Quá trình tiếp xúc, giao lưu tiếp biến văn hóa giữa lớp người Việt đầu tiên di cư từ miền ngoài với các cộng đồng tộc người bản địa trong thời gian dài đã góp phần kiến tạo quê hương mới, xác lập tín ngưỡng tiền hiền trong đời sống làng xã, nổi bật bản lĩnh văn hóa xứ Quảng...
Trang đầu trong Tộc phả họ Thân. Ảnh: T.Đ.H
Trang đầu trong Tộc phả họ Thân. Ảnh: T.Đ.H

Do chi phối của núi rừng trùng điệp ở phía Bắc, phía Tây và vịnh Bắc bộ phía Đông nên phương Nam trở thành sinh lộ độc đạo của Đại Việt từ cái nôi châu thổ sông Hồng - sông Mã. Vượt đèo Ngang, người Việt tiếp quản vùng đất Bố Chính - Địa Lý - Ma Linh từ đợt Nam chinh của Lý Thường Kiệt năm 1069.

Cuộc hôn nhân lịch sử của Huyền Trân công chúa năm 1306 đã mang về cho Đại Việt châu Lý, châu Ô và nhà Trần cho đổi thành châu Thuận, châu Hóa, với lãnh thổ châu Ô/Hóa được giới hạn từ sông Ô Lâu đến tận bờ Bắc sông Thu Bồn (có làng Nam Ô). Đó là nền tảng để vua Lê Thánh Tông Nam chinh năm 1470 - 1471, đến được Thạch Bi sơn, xác lập tiền đề ra đời xứ Quảng Nam thời Hậu Lê - thời chúa Nguyễn, mang dấu ấn đậm nét công lao di dân mở cõi của nhiều dòng họ tiền hiền xứ Quảng trong đời sống làng xã.

Chính sử ghi nhận từ sau năm 1306, suốt thời Trần - Hồ và nhất là kể từ năm 1470 - 1471, người Việt chính thức di cư đến vùng đất từ Hải Vân - Thạch Bi sơn và trong mối tương quan địa chính trị, đã có sự giằng co qua lại, có khi người Việt phải hồi hương.

Trường hợp này được mô tả chi tiết trong văn bản nói về cội nguồn họ Thân ở làng Câu Nhi (tổng An Nhơn, phủ Điện Bàn), ghi lại ngày 2/6/ Duy Tân thứ 2 (1908). Trong văn bản của người cháu nối đời họ Thân là Thân Đức Đắc phụng chép về nguồn cội gia tộc đã nhấn mạnh tiền nhân họ Thân vốn người châu Ái (xứ Thanh Hóa sau này). Từ khi nhà Hồ thu phục đất Chiêm Thành đã ban cho lập thành xã hiệu, nhưng chỉ sau mấy mươi năm, xứ này lại trở về với người Chiêm nên tiền nhân họ Thân phải trở về quê cũ.

Đến tháng 11/Hồng Đức thứ nhất (1470), có ngài hậu duệ họ Thân, húy Phúc Cẩm, là thủy tổ của gia tộc họ Thân ở Câu Nhi sau này, được trao chức Thái Bảo quan Chinh Lỗ tướng quân, đem quân binh đánh Nam man. Mùa đông năm sau (1471), quan binh chinh phạt thắng lợi, thu lại đất cũ.

Lúc hoàng đế hồi Kinh đã bày tiệc, có ban đạo dụ nhấn mạnh rằng, người nào ở lại mở mang làng xã thì khuyến khích chuẩn cho. Nhờ vậy, “sáu cha con thủy tổ họ chúng tôi kết hợp với người các họ Nguyễn, Đỗ, Trà, Trần, Kế và Ngô cùng nhau mở mang đất đai. Sau 3 năm thì tên làng Câu Nhi ra đời, trải đến nay cũng đã được 14 thế hệ”, với phụ lục 14 đời trong phả hệ kèm theo (Quảng Nam tỉnh tạp biên, Lê Minh Khiêm dịch, tài liệu VICAS Huế, 2020).

Chi tiết hai châu Ô, châu Lý được nhà Trần đổi thành châu Thuận, châu Hóa theo ghi nhận của Đại Việt sử ký toàn thư dễ gây nhầm lẫn khi cho rằng châu Ô là châu Thuận và châu Lý - Hóa. Qua những tài liệu có được từ thực địa, chúng tôi nhận thấy quá trình mở cõi gắn liền châu Ô chính là vùng đất từ Nam sông Ô Lâu vào đến Bắc sông Thu Bồn, góp phần làm rõ nét những trang sử đầu tiên chốn làng quê xứ Quảng.

Trong một tài liệu ghi chép về truyền thống khai canh của họ Nguyễn xã Quảng Đại (huyện Duy Xuyên) năm Cảnh Trị 2 (1664) đã nói rõ nguồn cội của gia tộc từ quê hương xã Khuông Phụ, phủ Hạ, thừa tuyên Hải Dương. Từ đời Hồng Đức, ngài thủy tổ Nguyễn Văn Thiết đã theo hoàng đế Thánh Tông Nam chinh “vào thu giữ đất này, có ban chiếu trong thiên hạ rằng các vùng ruộng đất hoang vu, cho mộ dân khai khẩn”.

Từ đó, “Ngài thủy tổ tình nguyện ở lại Ô châu, tức xứ Quảng Nam, cùng với các ông Nguyễn Viết Lợi, Lê Nhân kết bằng hữu, đến Quảng Đại mở ra 3 khoảnh lập miếu vũ, 2 khoảnh lập nơi cư trú. Bỏ tiền mộ dân khai phá đất hoang lập thành làng xóm”. Như vậy, chí ít từ thế kỷ XVII, văn bản Hán Nôm làng xã ở Quảng Đại đã lưu dấu rõ nét ba vị tiền hiền của làng là ngài Nguyễn Văn Thiết, Nguyễn Viết Lợi và Lê Nhân, như một nét độc đáo, đặc trưng cho việc định hình tín ngưỡng tiền hiền trong lịch sử văn hóa xứ Quảng.

Tờ trình xin cấp bằng của xã trưởng xã Ô Da năm Minh Mệnh 11 (1830) cho thấy nơi đây vốn là Trại Điền Trang Ô Da, thuộc tổng Quảng Đại Thượng (huyện Duy Xuyên, phủ Thăng Hoa). Theo đó, ngài thủy tổ của gia tộc là Nguyễn Văn Nghị gốc người ở huyện Nghi Xuân, thừa tuyên Nghệ An.

Năm Hồng Đức thứ nhất, ngài theo hoàng đế Lê Thánh Tông vào Nam đánh giặc. Khi trở về, đi qua vùng thượng du Ô Châu thấy đất đai rộng rãi, liền mộ dân mở mang được hơn trăm mẫu, đặt tên là Trại Điền Trang Ô Da. Hậu duệ con cháu về sau có giữ được một số giấy tờ đầy đủ nhưng đáng tiếc là đến năm 1830 lại bị mục nát hết.

Nhận thấy nếu không có giấy tờ sẽ rất nghiêm trọng nên vị xã trưởng Huy bèn mời toàn dân trong trại về tại tư gia để họp bàn, xét ký để tiện xin cấp bằng xác nhận là đã bị mục nát. Văn bản này được cung kính gửi lên quan trên để “mở rộng đức ý xét cấp bằng để khỏi lo lắng về sau”, được phê chuẩn “Vâng sao lại” để “Cấp cho bằng” với đủ dấu Quảng Nam Chi Ấn cùng nhiều quan viên các cấp, đương sự ấn ký.

Gắn liền lịch sử khai lập làng xã là quá trình định hình nên hệ thống thiết chế văn hóa làng xã đặc trưng. Đầu thời Minh Mệnh, toàn bộ dân làng An Lâm (tổng Duy Đông, phủ Duy Xuyên) đã có văn bản họp bàn xây dựng đình làng khang trang hơn bởi “xưa đã có 1 tòa đình tranh, 1 tòa miếu gạch phụng thờ cũng lâu năm rồi, đến bây giờ đã mục nát, rã rời”.

Một văn bản năm Tự Đức 10 (1857) của làng khẳng định công đức từ lâu đời của các ngài Tiền hiền, Hậu hiền từ cội nguồn đất Bắc, nên “trăm đời cũng không rời tổ tiên” và dân làng thống nhất lập hương phả, văn tế, định lệ ngày kị Tiền hiền vào tiết Đông chí.

Trong đình, thiết trí thần vị, chính giữa là Tiền hiền Thủy tổ, ở gian trái là Hậu hiền có công đức, gian phải là Hậu hiền kế thừa và tiếp đến là Tiên tổ của nhậu nhân, hậu dân cùng Người trong thôn có công với làng nhưng không người thờ tự.

 Chính những trang sử làng quê mở cõi buổi đầu độc đáo đó càng khẳng định dấu ấn văn hóa độc đáo, đặc trưng, nổi bật đạo nghĩa Tiền hiền gắn liền truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của hậu thế đối với công đức vô lượng của tiền nhân xứ Quảng.

Tác giả: Trần Đình Hằng

Nguồn tin: Báo Quảng Nam

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Tin mới

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BẢO TÀNG TỈNH QUẢNG NAM
Địa chỉ: 281 – Phan Bội Châu, Tam Kỳ, Quảng Nam
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

Tổng số lượt truy cập