Tin tức chung

Người Quảng xưa qua góc nhìn của Cristoforo Borri

Ngày đăng: 14:04 | 24/12 Lượt xem: 18604



Cristoforo Borri, người Ý, là một trong những giáo sĩ dòng Tên đầu tiên đến Đàng Trong, thời Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, lưu trú tại vùng Quảng Nam - Quy Nhơn 5 năm (1618 - 1622). Tập ký sự “Xứ Đàng Trong” của ông in lần đầu tiên năm 1631, ngoài việc lột tả sự phong phú, giàu có về tài nguyên sản vật, sự tươi đẹp của thiên nhiên nơi vùng đất phía Nam của Đại Việt đương thời, còn giúp người đọc có những hiểu biết về bản sắc văn hóa độc đáo của người Quảng vào thế kỷ 17.
Nhiều người già xứ Quảng vẫn giữ tục ăn trầu. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Nhiều người già xứ Quảng vẫn giữ tục ăn trầu. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

“Miếng trầu là đầu câu chuyện”

Tục ăn trầu là biểu hiện của phong cách văn hóa, ứng xử người Việt, vừa là thể hiện tình cảm dân tộc độc đáo. Theo GS. Trần Quốc Vượng, tục ăn trầu cau tiềm ẩn một triết lý về sự tổng hợp của nhiều chất khác nhau, cây cau vươn cao là biểu tượng của trời (dương), vôi đất đá biểu tượng của đất (âm), dây trầu mọc lên từ đất, quấn quýt lấy thân cau, biểu tượng cho vai trò trung gian hòa hợp.

Trầu cau nhai làm một, miếng trầu có cái tươi ngọt từ hạt cau, cái cay của lá trầu, cái nồng nàn của vôi, cái bùi của rễ… tất cả tạo nên chất kích thích, làm cho thơm mồm, đỏ môi.

Miếng trầu còn tàng ẩn, tiềm ẩn tình nghĩa anh em trong sự tích trầu - cau - vôi: Sống chia rẽ anh em là chết. Sự hối hận đền bù cho cái chết, bằng cái chết… Chết rồi nhưng vì biết hối hận nên lại sống lại, hóa thân nơi trầu - cau - vôi, hòa hợp nơi miếng trầu.

Một triết lý nhân sinh huyền nhiệm, tuyệt vời, không cần rao giảng rườm lời như triết lý Tây, không cần “thiên kinh địa nghĩa” như triết lý Tàu… Miếng trầu thắm têm vôi nồng cùng cau bổ tám bổ tư luôn là sự bắt đầu, sự khơi mở tình cảm. Miếng trầu làm người với người gần gũi, cởi mở với nhau hơn.

Hãy nghe Cristoforo Borri mô tả khá chi tiết về tục ăn trầu cách đây 4 thế kỷ ở đất Quảng: “Trong mỗi gia đình xứ này luôn có một người làm nhiệm vụ sửa soạn trầu cau, gọi là betlere (người têm trầu).

Trầu cau đã têm được sắp đặt trong cơi và người ta nhai suốt cả ngày, không chỉ ở nhà mà còn trên đường, lúc trò chuyện, song người ta không nuốt mà nhổ bã đi. Người ta chỉ thưởng thức mùi vị và tính chất của hỗn hợp vốn rất tốt cho dạ dày này.

Việc ăn trầu phổ biến tới nỗi, người nào tới nhà người khác chơi đều mang theo trầu cau mời chủ nhà, và chủ nhà không ngần ngại lập tức nhận lấy bỏ vào miệng. Sau đó, trước khi khách ra về, chủ nhà sai người têm lấy một cơi trầu tặng cho khách để đáp lễ, chính vì vậy mà họ cần phải sửa soạn trầu cau têm sẵn”.

Xứ Đàng Trong (Cochinchine) với quần đảo Hoàng Sa (Isles Pracel (Baixos de Chapar de Pullo Scir)), trong bản đồ của Joachim Ottens, năm 1710.
Xứ Đàng Trong (Cochinchine) với quần đảo Hoàng Sa (Isles Pracel (Baixos de Chapar de Pullo Scir)), trong bản đồ của Joachim Ottens, năm 1710.

Qua ngòi bút của Cristoforo Borri, người đọc có dịp hiểu thêm về tục ăn trầu của người Quảng ở thế kỷ 17 và cũng xác tín một điều: lưu dân Việt, dù ở nơi đất mới, vẫn gìn giữ tục ăn trầu của cha ông; với họ, “miếng trầu là đầu câu chuyện”.

Cũng theo Cristoforo Borri, ở Quảng Nam xưa, “người ta cũng dùng thuốc lào nhưng không thông dụng bằng lá trầu” và “lượng tiêu thụ cau lớn đến nỗi thu nhập chính của xứ này là trồng cau, như dân Ý trồng ô liu và những loại cây khác vậy”. Đây là những thông tin khá lý thú chắc hẳn các nhà nghiên cứu về đất Quảng không thể bỏ qua!

Hiếu khách và hào hiệp

Dưới con mắt một người ngoại quốc như Cristoforo Borri, Đàng Trong vào thế kỷ 17 (trong đó có Quảng Nam) là một xứ sở kỳ diệu với những con người “muôn vàn lịch thiệp, gần gũi và văn minh”. Ông cho hay: Người Đàng Trong nhã nhặn và lịch thiệp hơn trong cư xử với người Âu châu.

Trong khi tất cả các nước Á Đông đều cho người Âu châu là những kẻ xa lạ và dĩ nhiên họ ghét đến nỗi khi chúng ta vào lãnh thổ họ thì tất cả đều bỏ trốn. Thế nhưng trái lại ở xứ Đàng Trong, họ đua nhau đến gần chúng ta, trao đổi với chúng ta trăm nghìn thứ, họ mời chúng ta dùng cơm với họ.

Tóm lại họ rất xã giao, lịch sự và thân mật đối với chúng ta. Điều này đã xảy ra với tôi và các đồng sự của tôi, khi lần đầu tiên chúng tôi vào xứ này, người đã coi chúng tôi như những người bạn rất thân và như thể người ta đã quen biết chúng tôi từ lâu.

Cristoforo Borri cũng cho biết thêm về tính cách độc đáo của người Quảng xưa: “Nhờ lòng tử tế bẩm sinh và những tập quán bình dị mà họ tạo được khối đoàn kết tinh thần hoàn hảo, họ cư xử thân tình như anh em một nhà, ngay cả chưa từng gặp gỡ hay quen biết.

Nếu ai đó ăn một thứ gì mà không chia cho mọi người xung quanh một miếng nhỏ thì sẽ bị mang tiếng là ti tiện. Bản năng tự nhiên của họ là thiện lương và trên hết phải tử tế với người nghèo khổ, họ không bao giờ từ chối bố thí cho những người cần, đó được coi như là bổn phận”.

Cristoforo Borri nêu ra dẫn chứng khá lý thú về tính hào hiệp của người Quảng là “không bao giờ từ chối người đã cất lời xin họ”, mà chính ông từng chứng kiến: Có lần, có mấy người ngoại quốc bị đắm tàu và được cứu tại một cảng Đàng Trong. Họ không biết tiếng để xin người ta cho thức ăn, họ chỉ cần học mỗi chữ “doij”, có nghĩa là “tôi đói”.

Vừa nghe thấy người ngoại quốc than thở như vậy, tất cả đều động lòng thương và cho họ ăn, đến nỗi chỉ trong một thời gian rất ngắn, họ thu được rất nhiều thức ăn dự trữ, đến khi Chúa Nguyễn cấp cho họ một chiếc tàu để trở về quê quán thì chẳng ai muốn đi vì họ quyến luyến một lãnh thổ ở đó họ gặp được những người rộng rãi cho họ các thứ để sống mà không phải làm việc.

Tác giả tập ký sự “Xứ Đàng Trong” còn nhắc đến câu chuyện: Để kiểm nghiệm tính hào hiệp của người Quảng, một lái buôn Bồ Đào Nha tới gần thuyền của một người đánh cá nghèo. Đặt tay trên một cái rổ lớn đầy cá, ông nói bằng tiếng bản xứ: “Scin mocaij”, nghĩa là “cho tôi xin cái này”.

Chẳng nói chẳng rằng, người thuyền chài đưa ngay cho ông rổ cá để ông đem về. Người Bồ rất sửng sốt và khen ngợi lòng quảng đại của người Đàng Trong. Cảm thương người thuyền chài nghèo khổ, ông đã trả tiền rổ cá theo giá của nó.

Kính trọng người trên

Sống 5 năm ở đất Quảng xưa, Cristoforo Borri đưa ra nhận xét, ở đây người dưới rất kính trọng người trên và bao giờ họ cũng nể người có tuổi hơn. Trong mọi việc, ở vào bất cứ cấp bậc nào, gia thế nào, bao giờ họ cũng nhường ưu tiên cho người già hơn.

Borri kể lại: “Có một lần, mấy viên quan lớn tới thăm nhà chúng tôi, mặc dầu đã được người thông dịch cho họ biết là có một linh mục dù tuổi cao nhất nhưng không phải là cha bề trên, thế là họ tới chào vị linh mục già trước khi đến gặp cha bề trên trẻ tuổi hơn”.

Tôn ty trật tự trong gia đình người Quảng, cụ thể là về chỗ ngồi, cũng được Cristoforo Borri ghi lại khá rõ ràng: “Trong mỗi ngôi nhà dù nghèo nàn thế nào thì người Đàng Trong cũng ngồi theo ba lối khác nhau: lối đầu tiên - thấp nhất là quỳ gối trên một chiếc chiếu trải dưới sàn, và đây là lối mà những người ngang hàng ngồi, có nghĩa là mọi người trong cùng một gia đình; lối thứ hai là trải lên chiếc chiếu một tấm vải mỏng và đẹp dành cho những nhân vật quan trọng hơn; lối thứ ba là kê một chiếc bàn cao chừng ba gang tay và rộng như một chiếc giường, chỗ này chỉ dành cho các quan trấn thủ, quan lớn địa phương hay các bậc cao tăng đạo sĩ”.

Tác giả: Vân Trình

Nguồn tin: Báo Quảng Nam

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Tin mới

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BẢO TÀNG TỈNH QUẢNG NAM
Địa chỉ: 281 – Phan Bội Châu, Tam Kỳ, Quảng Nam
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

Tổng số lượt truy cập