Tin tức chung

Địa danh Hà Đông - Tam Kỳ xưa

Ngày đăng: 14:02 | 24/12 Lượt xem: 17791

Do chiến tranh, thiên tai và nhiều lý do khác, tư liệu chép về vùng đất Hà Đông - Tam Kỳ (phủ Tam Kỳ, nay là các vùng Núi Thành, Tiên Phước, Phú Ninh và Tam Kỳ) hiện còn rất ít tại địa phương.
Ngã ba sông Bà Bầu và sông Tam Kỳ. Ảnh: PHÚ BÌNH
Ngã ba sông Bà Bầu và sông Tam Kỳ. Ảnh: PHÚ BÌNH

May mắn là những người muốn tìm hiểu về quá khứ của vùng đất này vẫn còn mấy tư liệu xưa để có thể giúp biết được ít nhiều. Trong số các tư liệu đó, có sách Phủ biên tạp lục (PBTL) của Lê Quý Đôn và sách Đại Nam nhất thống chí (ĐNNTC) do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn.

Hà Đông - Tam Kỳ xưa  trong Phủ biên tạp lục

Danh sách các xã, thôn, phường, man, tộc… trong phạm vi quản lý của các “thuộc” (đơn vị hành chính cấp trên của xã - NV) bao gồm “thuộc Nội phủ Kim hộ”, “thuộc Chu tượng”, “thuộc Hà bạc”, “thuộc Thương nhân hội tân”, “thuộc Sơn điền” của phủ Thăng Hoa, xứ Quảng Nam mà sách PBTL ghi lại (cách nay gần 250 năm) có nhiều đơn vị hành chính đến nửa đầu thế kỷ 20 vẫn còn được giữ nguyên tên.

Thời Nguyễn, các đơn vị hành chính ấy đều nằm trong vùng đất huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam (về sau, huyện Hà Đông được nâng lên thành phủ Tam Kỳ hồi đầu thế kỷ 20 - NV). Có thể kể một số tên thôn xã nằm trong địa bàn Hà Đông - Tam Kỳ như: Thạch Kiều, Khương Mỹ, Vĩnh An, Trường An, Phú Lân, Ngọc Giáp, Tịch Đông, Hòa Trà, Diêm Điền, Trà Lý, Bãi Ngao, An Hòa… (nay thuộc huyện Núi Thành); Văn Hà, Tú Tràng, Phú Thị, Thạnh Mỹ, Cẩm Khê, Trung Đàn, Phú Trà, Đức An, Đại An, Chiên Đàn… (nay thuộc huyện Phú Ninh); Thanh Lâm, Bình An Xuân, Thanh Bôi, Sông Tiên… (nay thuộc huyện Tiên Phước); Tam Kỳ, Phú Xuân Trung, Phú Quý, Thạch Tân, Hòa Thanh, Tỉnh Thủy… (nay thuộc TP.Tam Kỳ).

PBTL còn ghi tên chợ Khánh Thọ (nay thuộc xã Tam Thái, huyện Phú Ninh), chợ Chiên Đàn (nay thuộc xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh) mà chưa thấy ghi tên chợ Tam Kỳ. Điều đó cho thấy sự trù mật của hai vùng đất nói trên so với vùng đất ven sông Tam Kỳ vốn đến lúc đó đã có tên là “Tam Kỳ tân lập xã”.

Bên cạnh việc ghi tên các “chợ”, PBTL còn ghi các “quán” ở khu vực Tam Kỳ thời đó như “quán Bà Dầu” (còn gọi là Bà Rầu), “quán Suối Đá”, “quán Phú Khang”, “quán Ông Bộ”...

Quán trong ghi nhận của PBTL là nơi nghỉ chân thuận tiện trên đường thiên lý mà một số trong đó là tiền thân của nhà dịch trạm thời triều Nguyễn sau này. Có thể xác định ngay tên một số quán như quán Bà Dầu căn cứ câu phương ngữ chỉ một số địa danh gần vùng tháp Chăm Chiên Đàn (xã Tam An hiện nay): “Quán Bà Dầu, cầu Bà Dụ, ụ Ông Nghê”; quán Phú Khương mà sang thời Gia Long do kỵ húy đã đổi thành tên Phú Hưng (nay thuộc xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành ở hữu ngạn sông Tam Kỳ) và tên đó còn mãi đến sau 1945 mới đổi.

PBTL chỉ ra hành trình từ quán Bà Rầu đến quán Ông Bộ như sau: “Dinh Quảng Nam đi đến quán Hà Lam nửa ngày, lại đi tối đến quán Bà Dầu. Quán Bà Dầu đến quán Phú Khang nửa ngày, lại đi tối đến quán Ông Bộ...”. Và rồi tác giả sách này ghi theo lời kể của một quan Câu Kê của chính quyền xứ Đàng Trong đương thời kể “nhật trình hành quân” từ Quảng Nam vào Quảng Ngãi có một đoạn như sau: “quán Tháp (có hai cầu ván) đến chợ Chiên Đàn hết một ngày; chợ Chiên Đàn qua quán Suối Đá (suối có cầu ván), sông Tam Kỳ, quán Phú Khang, đến sông Bầu Bầu hết một ngày”. Đối chiếu với tư liệu hiện còn ở địa phương, biết được “quán Suối Đá có cầu ván bắc qua” chính là địa danh Cầu Cống (nay gọi là cầu Ngân hàng) trên đường Phan Châu Trinh, Tam Kỳ.

Hà Đông - Tam Kỳ xưa trong Đại Nam nhất thống chí

Sách này ghi tên 19 ngọn núi nằm trên vùng đất Hà Đông - Tam Kỳ xưa. Đó là: Ỷ Môn, Chủ Sơn, Cẩm Y, Vĩnh Phúc, Quế Hương, Tử Dương, Tà Mi, Răng Cưa, Cò Bay, Thạch Ông, Mã Yên, Miêu Bông, Đức Bố, Thạch Khoáng, Phú Hòa, Nha Não, Trà Cai, Khánh Thọ. Trong số 19 ngọn này, có núi Trà Cai mà ĐNNTC ghi “ở cách huyện Hà Đông 4 dặm về phía nam,... phía tây gần đấy có núi Khánh Thọ”. Trà Cai chính là tên của ngọn đồi đất đỏ hiện chỉ còn dấu tích nằm ở địa phận phường Hòa Thuận, Tam Kỳ.

ĐNNTC ghi nhận tên 5 con sông ở vùng Tam Kỳ - Hà Đông xưa là Tam Kỳ, Bầu Bầu, Tiên Quả, Bản Tân, Phước Yên. Trong đó, Phước Yên được mô tả là “ở hạ bạng ba huyện Duy Xuyên, Hà Đông và Lễ Dương, từ sông Thạch Bàn chảy về phía nam qua đầm An Thái,... phía bắc đến cửa biển Đại Chiêm, phía nam đến cửa biển Đại Áp”. Căn cứ trên mô tả này thì sông Phước Yên trong ĐNNTC chính là sông Trường Giang có đoạn chảy qua các xã Tam Thanh (Tam Kỳ) và huyện Núi Thành hiện nay. Một bản in khác của sách ĐNNTC ghi tên sông Phước Yên là Phước Toản.

ĐNNTC cũng ghi nhận tên các đầm Tam Kỳ, Diêm Phố, Phú Hưng, Phú Lân, Đông Hải, Chiên Đàn và An Hòa thuộc vùng Hà Đông - Tam Kỳ xưa. Đối chiếu với hiện nay thì các đầm Tam Kỳ, Phú Hưng, Phú Lân, Đông Hải đã mất tên trên thực địa; đầm Phú Hưng còn dấu tích là một vũng sa đầm thuộc địa phận thôn Trung Đông xã Tam Xuân 1 hiện nay; đầm Chiên Đàn nay vẫn còn với tên thường dùng là đầm Bãi Sậy (nơi giáp giới ba xã Tam Thăng, Tam Phú và phường An Phú của Tam Kỳ); đầm An Hòa chính là vũng đầm lớn nối liền sông Trường Giang với cửa biển Kỳ Hà, huyện Núi Thành hiện nay.

ĐNNTC ghi nhận địa danh Thác Lớn “ở đập đá xã Đường An, huyện Hà Đông, tục gọi là Thác Lớn,... thuyền ghe đi trên sông ngả ba Tam Kỳ đến đấy phải dừng vì nước cạn và nhiều đá ngầm khó đi”. Trước khi xây hồ chứa nước Phú Ninh, thác này được gọi là Thác Cả. Nơi này hiện nay thuộc khu vực đập xả tràn của hồ chứa nước Phú Ninh.

ĐNNTC cũng ghi thêm tên một ngôi chợ mới mà trước đó trong PBTL chưa thấy ghi, là chợ Tam Kỳ với lời chú “tục gọi là chợ Man”. Theo tư liệu địa phương hiện còn, chợ này nằm trong địa giới “man Suối Đá - Bàn Thạch” (man: tên đơn vị hành chính xưa - NV) nên có tên ấy. Về sau, chợ này thường được gọi là chợ Vạn.

ĐNNTC còn ghi tên 4 cây cầu ở vùng này là “Mỹ Tây (dài 13 trượng), Chiên Đàn (dài 10 trượng), Ưu Đàm (tục gọi là cầu Ông Bộ dài 18 trượng), cầu Phú Quý (dài 6 thước)”. Cầu Ông Bộ nay còn giữ nguyên tên. Cầu Phú Quý nay dân gian thường gọi là cầu Hai Tam Phú. Các cầu Mỹ Tây và Chiên Đàn nay được gọi là cầu Ông Hiền và cống Ông Trang.

ĐNNTC còn ghi nhận tên hai tòa tháp: “một tháp ở xã Chiên Đàn,…một tháp ở xã Khương Mỹ” (nay thường được gọi là tháp Khương Mỹ và tháp Chiên Đàn - NV) nằm hai bên dòng sông Tam Kỳ.

Tấn biển Đại Áp (nằm trên cửa biển cùng tên) và tấn Bản Tân (nằm ở ấp An Tân cạnh sông Bến Ván) là hai đồn binh giữ cửa sông và cửa biển ở phía nam của tỉnh cũng được ghi trong sách này.

Tác giả: Phú Bình

Nguồn tin: Báo Quảng Nam

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Tin mới

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BẢO TÀNG TỈNH QUẢNG NAM
Địa chỉ: 281 – Phan Bội Châu, Tam Kỳ, Quảng Nam
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

Tổng số lượt truy cập