Nghiên cứu

CÁC KIỂU NHÀ TRUYỀN THỐNG Ở QUẢNG NAM

Ngày đăng: 20:32 | 24/01 Lượt xem: 7083

Để có sự thống nhất trong các tên gọi các loại nhà, các cấu kiện trong một ngôi nhà truyền thống, chúng tôi căn cứ theo các kiểu thức về kỹ thuật, mỹ thuật trong quá trình làm bộ khung nhà (giàn trò), công năng sử dụng, mặt bằng sinh hoạt và cả vật liệu để phân loại. Đồng thời dựa vào cách gọi thông dụng nhất của các phường mộc, tập quán, ngôn ngữ của địa phương,… chúng tôi tạm thời giữ lại và phổ biến tên gọi các loại nhà cũng như khái niệm cơ bản về mỗi loại nhà ở Quảng Nam như sau (có thể những nhà chuyên môn sau này có những lý giải mới):

1. Tên gọi các loại nhà-phân loại theo số lượng và bố trí các hàng cột (gọi theo phường thợ mộc xưa). 

1.1.  Nhà 4 gỗ (4 cái): ở hàng dọc chỉ có 4 cột cái (2 cột nhất tiền, 2 cột nhất hậu), có thể gọi là nhà 1 gian - 2 chái; Mặt bằng sinh hoạt gian giữa (hậu) để thờ, đặt bàn tiếp khách hoặc nơi nghỉ của đàn ông (tiền); 2 chái hai bên dùng cho sinh hoạt gia đình, chứa vật dụng (H.1).                   

hình 1 hình 2
                                     Hình 1                                                                                   Hình 2 

1.2. Nhà 8 gỗ (8 cái) hay Bát vần (1) (Tam gian nhị hạ): ở hàng dọc có 8 cột cái (4 cột nhất tiền, 4 cột nhất hậu), còn gọi là nhà 3 gian-2 chái; Mặt bằng sinh hoạt gian giữa hai bên thờ dùng để thờ (hậu), tiếp khách (tiền); gian hai bên nghỉ ngơi của đàn ông (tiền); 2 chái và phần hậu nghỉ ngơi của phụ nữ và chứa đồ vật dụng (H.2). 

1.3. Nhà 6 gỗ (6 cái): gồm 4 cột cái hậu, 2 cột cái tiền; giảm 2 cột cái tiền ở gian giữa để tạo sự thông thoáng, tiện cho việc sinh hoạt của 3 gian (H.3).

hình 3hình 4
                          Hình 3                                                                      Hình 4

                                                                             Hình 4 : Nhà ông Trần Khiêm, thôn Lộc Yên, xã  Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước

                                                                                            (số cột bên dưới tiêu biểu cho nhà nhà 8 nhì)

1.4. Nhà 8 nhì: không có cột cái, tức cột hàng nhất; chỉ có 8 cột hàng nhì, gọi là nhà 8 nhì; bỏ đi các hàng cột cái (tiền và hậu) để tạo nên sự thông thoáng cho không gian bên dưới, tiện cho sinh hoạt hàng ngày (H.4).Loại nhà nầy có nhiều ở huyện Tiên Phước và có niên đại muộn.

1.5. Nhà Đít voi: không có 2 chái ở đầu hồi, thường có kiến trúc ban đầu là loại nhà 3 gian và 5 gian nhưng do điều kiện trong khi sửa chữa đã biến thể thành 3 gian (từ 1 gian-2 chái) và 5 gian(2) (từ 3 gian-2 chái) (H.5).

1.6. Nhà 3 gian 2 chái kép: ở hai chái hồi tăng thêm một hàng cột thành 2 gian nên gọi là chái kép; lòng chái được mở rộng để tăng thêm diện tích cho sinh hoạt hoặc chứa đồ (H.6).

  hình 5hình 6
                                                                                           Hình 5                                                          Hình 6

1.7. Nhà tam gian tứ hạ (3): rất hiếm, có lòng nhà rộng cả chiều dài và chiều rộng. Cũng loại nhà 3 gian với 2 chái kép, đồng thời người ta thêm dãy hàng cột ở bốn cạnh nhà tạo nên lối đi như hành lang. Các cột đặt thấp hơn cốt nền trong nhà nên ngoài ta gọi là tứ hạ (H.7: mặt bằng).

1.8. Nhà con tiền cái hậu: cột cái ở phần mái hậu, cột con ở phần mái tiền; như loại nhà 6 cái, việc giảm cột cái tiền để tạo không gian sinh hoạt phía trước thông thoáng (H.8).

hình 7hình 8
                                               Hình 7                                                        Hình 8, 10               

 

2. Tên gọi các loại nhà –phân loại theo kỹ thuật kết cấu ngang- dọc (gọi theo phường thợ mộc xưa).

2.1. Nhà xuyên tâm (xuyên phương): có 3 hoặc 5 hàng cột (cắt ngang), cột giữa từ nền vươn lên đỡ kèo nóc ở vị trí giao nguyên (miền Bắc gọi kèo nọc ngựa; kỹ thuật này thường áp dụng ở nhà tranh tre, ở một số nhà gỗ cột chôn xuống đất (nhà Rội/rọi) (H9).Trong bài viết Những Bộ Phận Của Nhà Rường Quảng Nam ông Nguyễn Bạt Tụy còn  có thêm cách gọi là nhà rội kiểu “ xuyên tam sơn”  kiểu nhà nầy còn lại ở vài thôn, xã thuộc vùng ven biển ở huyện Thăng Bình và Tam Kỳ (ảnh.1). 

2.2. Nhà xuyên văn: Trông bên ngoài thuộc loại 1 gian hai chái hay nhà  4 gỗ nhưng vào bên trong là nhà 3 gian 2 chái. Với tên gọi này, người thợ mộc cũng như chủ nhân đã khéo léo biến thể bằng cách hai vì đầu hồi có cột được trốn trên thanh xuyên nối dài từ những cột cái nên lòng nhà được mở rộng theo chiều dọc/chiều dài. Loại nhà nầy tôi chỉ bắt gặp một nhà ở trên đường quốc lộ 1A qua xã Quế Phú ,huyện Quế Sơn và một nhà ở thôn Triêm Đông xã  Điện Bàn huyện Điện Bàn (ảnh.2).

2.3. Nhà Trính Lạng (4): là loại nhà 6 gỗ hoặc con tiền cái hậu, vì giảm bởi hàng cột cái tiền (2 cột hay 3 cột nên phải có cây trính dài/trính trường; với mục đích tăng thêm diện tích sử dụng bên dưới nên đã giảm bớt cột (cột cái tiền), do đó phải trốn trụ thành trụ đội đặt trên lưng trính dài đỡ kèo nóc (H.10).

  hình 9hình 11
                                                                                Hình 9                                                                      Hình 11

2.4. Nhà Xuyên Lạng: là loại nhà đã giảm 2 cột cái tiền (gian giữa) vẫn giữ nguyên 4 cột cái hậu, như vậy xem đây là nhà 6 gỗ (6 cái); để tăng diện tích sinh hoạt của phần tiền ở ba gian, một thanh xuyên lớn và dài bắt từ cột cái tiền Tây hồi đến cột cái tiền Đông hồi trên lưng xuyên là trụ trốn (con đội) đỡ lấy kèo nóc (H.11).

2.5. Song Nga (Xuyên Trường): giảm 2 cột cái tiền và 2 cột cái hậu (gian giữa) vì vậy cặp xuyên song song (hàng dọc); là công trình phụ để tăng diện tích sinh hoạt, như làm nơi chế biến lương thực, thực phẩm (gạo, ngũ cốc, đường, …), người thợ đã trốn trụ (cột cái) bằng những con đội đặt trên xuyên có kích thước lớn và dài để đỡ kèo nóc. Và như vậy khá phổ biến ở kiến trúc phụ như nhà ngang/nhà dưới (ảnh.3).

3. Phân loại các hình thức kèo và trính (gọi theo phường thợ mộc xưa).

3.1. Kèo thượng giao nguyên có trỏng quả (con đội/trụ trốn)( H.13) hoặc tấm gia thu: đỡ phần kèo nóc ở vị trí giao nguyên, có bộ phận nâng đỡ đặt trên lưng trính gọi là bộ phận trỏng quả (đế tôm, quả bí, ấp quả hình H.14b) mà tiếng Quảng  từ trỏng có nghĩa là chống.  Với tấm gia thu trang trí ở vài/vì đầu hồi(ở miền Bắc vị trí nầy là vì thuận) cũng có công năng sử dụng để giảm cột ở giữa như bộ phận trỏng quả ,nhưng thay hình thức đỡ bằng cách trang trí chạm khắc trên tấm ván (4),  gọi  là tấm gia thu (H.14a, ảnh 4-5).
hình 14 ahình 14

                      Hình 14 a                      Hình 14 b

2. Kèo thượng giao nguyên không trỏng quả (con đội/cột trốn): không có bộ phận trỏng quả, đỡ kèo nóc ở vị trí giao nguyên. Trong nhiều trường hợp như sử dụng loại kèo suốt (kèo luôn) hoặc có rầm thượng thì đa số vì nóc nầy không cần thiết sử dụng bộ phận chống đỡ ở vị trí giao nguyên, xem như không có bộ phận trỏng quả.

3.3. Chồng trính con đội/chồng rường con đội: các trính hoặc con rường ngắn dần chồng lên nhau thông qua các con đội liên kết; kỹ thuật dùng các con đội vừa liên kết các trính từ thấp lên cao nên có thể phân loại chồng 2 hoặc chồng 3…Với kỹ thuật này xem như người thợ mộc xưa có thể mở rộng lòng trính, vừa nâng cao độ dốc của mái nhờ các con đội vươn đỡ các đòn tay (hoành). Và có thể nhận ra sự duyên dáng,  mỹ thuật ở kiểu thức này bởi có nhiều phần chạm trổ và trang trí (bông trính) ở các cấu kiện nầy. Ông Nguyễn Bạt Tụy còn gọi cấu kiện này là vì thảo bạc hay trính Nhật Bản  (H.15). Ở một số nhà ở  vùng quê huyện Quế Sơn, Duy Xuyên và cả một ngôi đình lớn như đình Chiên Đàn ở huyện Phú Ninh có kiểu thức kết cấu này nhưng chỉ ở vì đỡ mái hiên. Quan sát thì chỉ có một nửa của vì chính nên về kỹ thuật chúng ta có thể phân biệt sự khác biệt của vài kèo và vài. Yếu tố nầy đã tạo nên sự phối hợp giữa vài kèo và vài ở những ngôi nhà ở phố cổ Hội An.   

3.4. Vài vỏ cua: ở Quảng Nam về nhà ở không có nhà vỏ cua  nhưng có vài vỏ cua và  dễ bắt gặp tại một số nhà ở phố cổ Hội An. Chi tiết loài vài nầy là một tấm ván dày  gần 10cm dài từ 120cm đến 150cm, bản rộng đến 80cm có chạm trổ (chạm nổi kết hợp chạm thủng) bố trí ở mái hiên .Có dáng khum khum như cái mai cua nên gọi là vỏ cua.

hình 15
                                                                                                                                        Hình 15

3.5. Kèo luôn: từ vị trí giao nguyên, một thanh gỗ dài liên tục làm kèo, cột cái, cột nhì, cột ba; sử dụng loại gỗ có kích thước dài như lim, sơn, muồng …

3.6. Kèo lưỡng đoạn: từ vị trí giao nguyên, một thanh kèo nối cột cái và cột hàng nhì, tiếp đến một đoạn kèo nối tiếp bằng cách đầu gối lên đuôi kèo trên, phần đuôi kèo ăn mộng qua cột hàng  ba, như vậy có 2 đoạn kèo nối các cột trong lòng nhà; với những nhà có rầm thượng, mà phần kèo này bị che khuất không cần chạm trổ không cần chạm trổ nên thường được sử dụng loại kèo lưỡng đoạn này, đoạn trên thường dài hơn đoạn dưới (theo độ dốc của mái).

3.7. Kèo tam đoạn (tam đoạn kẻ truyền) hay kèo chồng: loại gỗ mít thường có kích thước giới hạn về chiều dài nên loại kiểu thức chồng nhau được ưa chuộng(5), kiểu thức kết cấu từ đầu kèo dưới gối lên đuôi kèo trên này thường được phường thợ mộc Văn Hà(xã Tam Thành,huyện Phú Ninh)sử dụng ở các địa phương như huyện Tiên Phước, Tam Kỳ, huyện Núi Thành 

3.8. Trính thẳng (tránh ngang/ngay): nối 2 cột cái bằng đoạn trính thẳng; thường sử dụng loại nhà có rầm thượng và khoảng cách của 2 cột cái (bước cột) lớn; gỗ thường được sử dụng ở đây là lim, kiền kiền, sơn…; thợ mộc Kim Bồng (Phường Cẩm Kim, Hội An) thường thi công và có trụ trốn đỡ kèo nóc đơn giản hoặc không có trụ trốn (H 9).

3.9. Trính lận : nối cột cái bằng đoạn trính được đẽo lõm vào ở bụng  tạo nên thị giác  uốn cong 2 đầu; thợ Văn Hà thường chọn gỗ mít để thi công kiểu thức này, với nhiều gờ chỉ, bào soi trên thân trính, đặc biệt trên lưng trính bao giờ cũng có bộ phận trỏng quả (H 10).

4. Nhận xét từ tên gọi các kiểu nhà ở Quảng Nam so với các phong cách, kiểu thức tạo dựng nhà của các phường thợ mộc khác ở Miền Trung.

 Mỗi ngôi nhà ở mỗi vùng, miền đều có những đặc điểm riêng về vật liệu, kích thước, hình dáng, kết cấu…, những đặc điểm này nhằm thích ứng với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của nơi đó. Chủ nhân mỗi vùng văn hóa lại có những phong tục, tập quán, quan điểm thẩm mỹ khác nhau, mỗi phường thợ mộc ở mỗi địa phương lại có những kỹ thuật chế tác vật liệu, lắp dựng, thi công khác nhau; do đó có sự khác biệt nói trên là điều dễ hiểu.  Để đối sánh về sự khác nhau của các kiến trúc thuộc loại nhà ở tại miền Trung, thiết nghĩ cần có những đề tài nghiên cứu, trao đổi sâu hơn và nên tổ chức một hội thảo riêng về đề tài này để các nhà nghiên cứu kiến trúc truyền thống của từng vùng có điều kiện trao đổi, học hỏi lẫn nhau, làm phong phú thêm vốn tư liệu đã có. Sự khác biệt còn tồn tại ngay cả trong một vùng miền nhỏ,  ví dụ, chỉ riêng Nam miền Trung và Bắc miền Trung đã có sự khác nhau. Trong cuốn sách nghiên cứu nhà ở  có tên khá khiêm tốn của nhà địa lý người Pháp Pierre Gourou : Phác Thảo Nhà Việt Nam (Esquisse D’une Etude de L’habitation Annamite ,1936), tại miền Trung ông khảo sát từ Thanh Hóa đến Bình Định, cũng cho thấy sự khác nhau giữa những ngôi nhà phía Bắc sông Gianh so với phía Nam sông Gianh; Bắc đèo Hải Vân so với Nam Hải Vân; có sự khác biệt về phường thợ mộc Xa Lang ở Hà Tỉnh so với các phường thợ mộc vùng lân cận. Trong điều kiện của hội thảo này, tôi xin nêu lên một vài sự khác nhau cơ bản trong phong cách dựng nhà của các phường thợ mộc ở Quảng Nam so với các phường thợ xung quanh mà chủ yếu là ở Huế.

Thoạt nhìn, loại nhà làm bằng gỗ ở miền Trung đều là nhà rường (cột kê trên đá tán), có điểm chung về kỹ thuật liên kết bộ khung đỡ bằng gỗ. Tuy nhiên, chúng có tên gọi khác nhau ngay cả trong một không gian nhỏ hay tiểu vùng như Bắc Quảng Nam và Nam Quảng Nam. Ví dụ, phía Bắc gọi là Trính, phía Nam gọi là Tránh… Xa hơn nữa ra ngoại tỉnh, chi tiết này được gọi là Trến (Quảng Trị, Huế). Sự khác nhau về tên gọi cấu kiện, những thuật ngữ trong phép dựng nhà đã và đang bổ sung cho các nghiên cứu về kỹ thuật kết cấu, các công nghệ chế tác… và đồng thời bổ sung cho ngành ngôn ngữ về phương diện nghiên cứu phương ngữ. Trước mắt, những tên gọi này giúp nhận biết ngôi nhà có nguồn gốc từ đâu, do phường thợ mộc nào làm. Từ vài cách gọi loại, kiểu nhà và qua quan sát các hình thức của cấu kiện, tôi mạnh dạn giới thiệu và khẳng định nguồn gốc ngôi nhà ( điều này có thể giúp các sinh viên ngành văn hóa, du lịch và kiến trúc có thể nhanh chóng nắm bắt và hướng dẫn cho khách tham quan nhà ở truyền thống ở miền Trung). Chính người thợ mộc trong quá trình tạo dựng, chế tác nhà đã tạo phong cách riêng cho phường thợ của mình. Phong cách là cái cụ thể nhất trong khi tạo dáng (cả kỹ thuật và mỹ thuật), thể hiện ở việc bố trí các cấu kiện gỗ là chủ yếu. Việc sử dụng chất liệu như các loại đá, loại cây gỗ, ngói lợp, vật liệu trang trí tạo hình như vàng, bạc, khảm trai… các hoa văn đề tài trang trí trên chất liệu gỗ cũng nói đến phong cách sử dụng của phường thợ. Sau đây là những điểm khác nhau cơ bản trong các cấu kiện dựng nhà:

* VỀ KIỂU DÁNG VÀ VỊ TRÍ :

- Cột : mập và thanh, chân cột

- Trến/trính:độ cong của thân trến, mặt cắt của thiết diện gồm ống trấy, vòi. Rõ nét nhất là phần ướm trính và yết hầu(thuật ngữ theo cách gọi cấu kiện của Huế,nguồn  bản vẽ của Nguyễn Thúy Vi)Vị  trí lắp đặt.

- Xuyên: mặt cắt của thiết diện và vị trí lắp đặt

- Kèo: phần đuôi kèo, kèo ba (kèo cù) và mặt cắt thiết diện

- Bộ phận  trỏng quả và trang trí ở kèo nóc.

- Vài kèo chồng trính con đội (dáng và vị trí)

- Vài vỏ cua (vị trí).

* VỀ VẬT LIỆU:

- Mái nhà

- Các loại gỗ làm nhà

* VỀ CÁC ĐỀ TÀI ,HOA VĂN CHẠM TRỔ:

         - Đầu và đuôi kèo

- Ướm trến (còn gọi là tránh hay trính)

- Đòn tay

- Trần mái (ở phần tiền) 

(Để tìm những sự khác biệt cơ bản của các cấu kiện trên,  tôi đã điều tra từ  những  chuyến điền dã ở phía nam từ Quảng Nam,Quảng Ngãi (cả đảo Lý Sơn) ,Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận ,một số tỉnh miền Đông,Tây Nam bộ; các tỉnh phía Bắc miền Trung gồm Thừa Thiên Huế ,Quảng Trị, Quảng Bình,Hà Tĩnh. Tôi cũng đã tìm hiểu (đo vẽ, chụp ảnh) những ngôi nhà mua từ khắp các địa phương miền Trung mà Công ty NHÀ GỖ VIỆT NAM VINAHOUSE  đang sở hữu).

Chú thích :

(1), (2) Kiểu nhà “năm gian sáu vì” thường hay thấy ở ngoài Bắc, không gặp ở đây vì vào hai gian ở hai đầu hồi nhà, người ta ưa làm hai chái - theo Nguyễn Bạt Tuỵ, trang 241 số 59.

(3) Ngôi nhà này có chủ nhân là bà Trần Thị Thao, thôn đại Phú, xã Đại Nghĩa tháo dỡ nhượng bán cho công ty VINAHOUSE tại thị trấn Vĩnh Điện(đang dựng lại ở không gian nhà Việt (Vinahouse space ở thị trấn Vĩnh Điện) với số cột là 108 cột.

(4) Khi phỏng vấn cụ Đinh Thạch 85 tuổi (thợ mộc Văn Hà) gọi là Trính Lạng, nhưng theo Nguyễn Bạt Tụy gọi là Trính Lãng và nó chỉ nối hai cột cái (tiền và hậu) xem như là loại trính đoản (ngắn) nhưng cụ Thạch thì khẳng định Trính Lạng là loại trính trường (dài).Và trong thuật ngữ nhà rường Huế thì lãng có nghĩa là dài và còn có tên là trính băng.

(5) Hình thức một tấm ván có chạm trổ đặt dưới bụng của kèo thượng ở gian hồi, đây là một phong cách của phường mộc Văn Hà (xã Tam Thành ,huyện Phú Ninh ,Quảng Nam)

(6) Tôi đã phát hiện một thanh kèo dài nhưng chủ nhân cố tình làm giả hai đoạn gối lên nhau (ảnh chụp tại xưởng phục dựng nhà cổ của công ty nhà gỗ Việt Nam VINAHOUSE, thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn).     

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Nguyễn Bạt Tụy (1961), Những nhà xưa ở Quảng Nam,–Văn Hóa Nguyệt San, Sài Gòn, số 59-60.

2. Nguyễn Hồng Kiên, Bộ vì nóc của kết cấu nhà khung gỗ cổ truyền Việt Nam, Tạp chí VH-NT số 97.

3. Nguyễn Hồng Kiên (1996), Kiến trúc gỗ cổ truyền Việt Nam, Tạp chí Kiến Trúc,  số 3. 

4. Nguyễn Quốc Hùng (2005), Phố cổ Hội An và việc giao lưu Văn Hóa ở Việt Nam, NXB Đà Nẵng (tái bản).

5. Nguyễn Hữu Minh (2001), Để không là người ở trọ, Sở VHTT Thừa Thiên Huế.

6. Trung Tâm Bảo Tồn Di Sản Di Tích Quảng Nam (2008), Nhà ở cổ truyền người Việt tại Quảng Nam, kỷ yếu (nhiều tác giả).

 7. Nguyễn Thúy Vi (cb.) (2010), Thuật ngữ kiến trúc truyền thống Nhà Rường Huế, NXB Thuận Hóa.

8. Pierre Gourou (1936), Phác thảo nghiên cứu về nhà Việt Nam ở Bắc và Trung Kỳ- từ Thanh Hóa đến Bình Định, NXB Nghệ Thuật và Lịch Sử, Paris, (Bản dịch Đào Hùng, tạp chí Nghiên Cứu và Phát Triển Thừa Thiên- Huế số 4, 2001.

9. Nguyễn Thượng Hỷ (2008), Ngôi nhà lớn nhất Quảng Nam, Đặc San huyện Đại Lộc số xuân  Mậu Tí.

10. Viện nghiên cứu văn hóa quốc tế, Trường ĐH Nữ Chiêu Hòa, Nhật Bản (2003), Kiến trúc cổ Hội An- Việt Nam (bản tiếng Việt), NXB Thế giới.

11. Trịnh Cao Tưởng (2001), Về cái “củng trong kiến trúc cổ truyền Việt Nam, Kiến trúc Việt Nam, số 4.

12. Nguyễn Thượng Hỷ, Nhà cổ và chuyện người xưa phòng chống lũ lụt, Quảng Nam cuối tuần, số 2138.


Tác giả: Nguyễn Thượng Hỷ

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Tin mới

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BẢO TÀNG TỈNH QUẢNG NAM
Địa chỉ: 281 – Phan Bội Châu, Tam Kỳ, Quảng Nam
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

Tổng số lượt truy cập