Nghiên cứu

NGHỆ THUẬT ĐIÊU KHẮC CƠ TU VÀ KHUYNH HƯỚNG BIẾN ĐỔI TRONG QUÁ TRÌNH HỘI NHẬP VÀ TIẾP BIẾN VĂN HÓA

Ngày đăng: 15:05 | 26/10 Lượt xem: 2226

Miền núi Quảng Nam nằm trong vùng Trường Sơn Nam với phía bắc giáp vùng núi tỉnh Thừa Thiên Huế, phía Nam giáp vùng núi Quảng Ngãi và Kon Tum, phía Tây giáp tỉnh Sekong (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào), là nơi có bốn nhóm dân tộc thiểu số CơTu, XơĐăng, GiéTriêng và Cor sinh sống trên địa bàn 9 huyện miền núi trong đó tập trung ở các huyện Đông Giang, Tây Giang, Phước Sơn, Nam Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My và số ít sống tại các Huyện Tiên Phước, Hiệp Đức, Núi Thành. Do hoàn cảnh lịch sử và khoảng cách địa lý nên trình độ phát triển không đồng đều. Tuy vậy, mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa riêng thông qua những đặc điểm của văn hóa vật thể và phi vật thể, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội đã làm nên bản sắc văn hóa của từng dân tộc.         

  Một trong bốn nhóm dân tộc kể trên, thì nhóm dân tộc CơTu phân bố ở các Huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang tỉnh Quảng Nam, các xã miền núi Hòa Phú, Hòa Bắc huyện Hòa Vang thành phố Đà Nẵng và huyện Nam Đông tỉnh Thừa Thiên- Huế. Ngoài lao động nương rẫy hằng ngày, họ còn có lễ hội, nghề dệt thổ cẩm truyền thống, âm nhạc và nghệ thuật điêu khắc. Trong đó nghệ thuật điêu khắc của người CơTu được xem như một chỉ báo về đời sống tinh thần và bản sắc tộc người địa phương với giá trị về ngôn ngữ tạo hình, tính biểu cảm, cũng như kỹ thuật trong nghệ thuật tạo hình.

Loài người trong buổi sơ khai của mình, đã bắt đầu lao động và đã chế tạo ra những công cụ sản xuất. Cái mà họ làm ra được như công cụ lao động và sản phẩm lao động chỉ mới có ý nghĩa thực dụng. Từ sáng tạo công cụ lao động đến sản phẩm mang tính tạo hình có thẩm mỹ là cả một quá trình tương tác giữa con người với con người, giữa môi trường tự nhiên và xã hội. Vậy nghệ thuật nói chung và nghệ thuật điêu khắc của người CơTu ra đời từ bao giờ và nó có ý nghĩa thế nào trong cuộc sống thường ngày của họ?. “ Đó là nguồn gốc của nghệ thuật từ trong quan hệ thẩm mỹ của con người với hiện thực. Nguồn gốc của nghệ thuật nói riêng trước hết phải tìm trong hoạt động sản xuất và đấu tranh xã hội của loài người ”(1).

 Trong quan hệ xã hội, người CơTu có sự hợp tác và một thái độ đối xử thích hợp nhất giữa người khác với bản thân mình. Trong sự tiếp xúc hằng ngày với xã hội, họ cảm thấy hứng thú trước những hoạt động sản xuất, trong chiến đấu và sự tương trợ lẫn nhau của những người xung quanh. Khi những nét sinh hoạt đã tác động vào tình cảm của con người thì tình cảm ấy cũng có tính thẩm mỹ. Và những con người ấy đã biết rung động trước những nét thẩm mỹ của cuộc sống. Nghệ thuật điêu khắc của họ ra đời cũng theo quy luật ấy, một cách tự nhiên khi mẹ thiên nhiên nơi đại ngàn Trường Sơn cho họ đúc kết tri thức, một tín ngưỡng đa thần, và hiển nhiên họ được khẳng định là tộc người có những giá trị tiềm ẩn mà chúng ta cần nhiều thời gian mới đủ hiểu biết, cảm nhận và khám phá.

 Điêu khắc của người CơTu xuất hiện hầu hết và gần như gắn chặt với không gian và yếu tố tâm linh. Nếu như trong nghệ thuật tạo hình nói chung của các đồng bào vùng Tây Nguyên thống trị gần như tuyệt đối của các môt típ hoa văn hình học trên y phục và nghệ thuật điêu khắc trong hệ thống tượng nhà mồ gần như đơn sắc - màu gỗ tự nhiên, lấy hình tượng con người làm trung tâm ẩn chứa bao điều thần bí gợi chút ghê sợ với người trần, thì điêu khắc của người CơTu hoàn toàn ngược lại. Đối tượng phản ảnh của người nghệ sỹ làng chính là những hiện tượng thẩm mỹ trong đời sống, những hiện tượng nảy sinh trong quan hệ thực tiễn giữa con người và hiện thực, gắn liền với tâm tư, tình cảm của cộng đồng, nó khêu gợi được ước mơ và trí tưởng tượng…  

+ Nghệ thuật điêu khắc CơTu và không gian phân bố

- Nghệ thuật điêu khắc ở không gian sinh hoạt

Hầu hết điêu khắc ở đây được thể hiện dưới dạng phù điêu với thủ pháp gợi chứ không tả. Đó là tính biểu trưng trong ngôn ngữ tạo hình. Người nghệ nhân nhìn thế giới xung quanh bằng cảm nhận đúc rút từ những nguyên tắc khái lược đi kèm với nó là thái độ diễn giải của tác giả với lối kể chuyện bằng hình ảnh điêu khắc nguyên sơ và chất phác đến hồn nhiên. Qua đó, ta nhận thấy cả một đời sống sinh hoạt cộng đồng gắn kết chặc chẽ và coi núi rừng đại ngàn như lẽ sinh tồn.

Trong điêu khắc của người CơTu không có luật thấu thị mà là nguyên tắc khái lược, bằng thái độ đánh giá. Tương tự về không gian cũng vậy, không gian mang tính mặc định cao hơn giá trị tả thực, mọi hoạt cảnh đều được liên tưởng ở một góc cạnh khác. Đó là sự dàn trải theo chiều ngang với hệ thống nhân vật, thú linh, các con vật trong cuộc sống hằng ngày, thú dữ và cả hình thế sông núi. Đối với đồng bào Cơtu, bê nguyên hiện thực cuộc sống mượn ngôn ngữ điêu khắc để thể hiện là cách tự nhiên khi mọi thứ mà họ mô tả nó gần gũi và xuất hiện thường ngày trong đời sống vốn gắn với núi rừng. Thỏa sức mô tả đó cũng là cách để cộng đồng cùng chia sẻ tình cảm với nhau khi cuộc sống còn những khó khăn, gian khổ bên cạnh ca ngợi sự cố kết cộng đồng trong sinh hoạt và lao động sản xuất. Sự nhận thức thế giới nhiều khi mang tính chất riêng của một cộng đồng hoặc một dân tộc là vậy.


                              

                                              Nghệ Nhân Kêr Tíc bên tác phẩm của mình. Ảnh: TĐ

                                    

                     Trang trí vách lửng ở Gươl. Ảnh: TĐ.

-         Nghệ thuật điêu khắc ở không gian tâm linh                                          

Nhà mồ của người CơTu là công trình mỹ thuật. Ở đó kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc hòa quyện vào nhau góp phần làm cho văn hóa tín ngưỡng khác xa với tín ngưỡng thờ cúng người chết của người Kinh. Thật khó phân biệt đâu là xuất phát của kiến trúc nhà mồ và đâu là xuất phát của điêu khắc mang ý nghĩa trang trí đề cao văn hóa tâm linh và biểu lộ cảm xúc giữa hai thế giới.

Các hình khắc trên thân, nắp quan tài và nóc nhà mồ chỉ mang tính chất trang trí. Còn hình tượng đầu trâu trên nóc và hai đầu kèo ngoài chức năng trang trí, nó còn chức năng liên kết chịu lực của mái. Trong nhà mồ của người CơTu thì điêu khắc và kiến trúc có sự kết hợp khá nhuần nhị tạo nên một bố cục chắc khỏe đầy tính tâm linh và gần gũi. Xung quanh bốn góc quan tài có hệ thống tượng tròn với hình tượng người suy tư chống cằm, bồng con thể hiện rõ niềm tiếc thương đối với người chết. Những tượng này thường đục riêng trên một khúc gỗ, phía sau chừa chốt để đóng vào bốn cột nhà mồ có lỗ chừa sẵn. Người CơTu có cách diễn tả tâm trạng nhân vật riêng của họ trong trang trí nhà mồ bằng cách kết hợp màu sắc, trong khi với điêu khắc nhà mồ của người Ba na, Gia rai ở Tây Nguyên chỉ đơn sắc - màu gỗ tự nhiên và hệ thống tượng nhà mồ gồm ba vòng nằm ngoài mộ với từng tượng rời nhau được xếp sát vào nhau đậm chất nguyên thủy sơ khai thông qua việc mô tả “ vòng đời ” của con người từ lúc có hoạt động giao phối đến khi về với mẹ núi rừng. Điêu khắc nhà mồ của người CơTu không như vậy, với số lượng ít hơn và nhỏ hơn và có sử dụng màu sắc để nhấn nhá cho môtip thể hiện trên trang phục. Đôi khi ta bắt gặp trong sáu cột của nhà mồ được đục trực tiếp hình tượng người với hoạt động khác nhau thỏa mãn yếu tố trang trí lẫn công năng chống đỡ. Cái vỏ vật chật nhà mồ ấy nó chuyển tải văn hóa tinh thần đi xa hơn là vậy. Do đó, nhà mồ và hệ thống tượng trang trí vừa là văn hóa vật thể, vừa là văn hóa phi vật thể, vừa có giá trị về nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc lại vừa có ý nghĩa về dân tộc học và văn hóa dân gian.

-         Nghệ thuật điêu khắc trong không gian lễ hội

Nếu như trong không gian sinh hoạt và tâm linh, hình tượng con người được thể hiện hầu hết ở các hoạt cảnh với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau thì ở không gian lễ hội lấy cột Xơnur làm chính. Cột được dựng ở giữa sân và trước Gươil là nơi dân làng tiếp xúc với thần linh vào mỗi dịp lễ. Chính vì thế nên cột đâm trâu được chạm khắc và trang trí màu sắc rất ẩn tượng và thường cột đâm trâu chỉ có hai màu đen ( âm) và đỏ (dương) đi với nhau tạo nên nhịp điệu rõ ràng và sinh động, tuy tương phản về màu nhưng mô típ trang trí là những hình tam giác đan xen nhau nên tổng thể cột đâm trâu là sự hài hòa về màu sắc và bố cục. Trước kia người nghệ nhân dùng củ nâu trộn đều với nhọ nồi cho ra màu đen. Lá cây ta râm cho nước có màu xanh dương khi bị giã nát. Màu trắng được làm từ mủ cây cao su dây. Từ những màu đặc trưng ấy mà tùy vào các môtíp trang trí mà đặt để rất có duyên. Ngày nay, sơn công nghiệp được sử dụng trong việc trang trí nhưng mô típ trang trí và quy luật dùng màu không thay đổi nên không gian thiêng vẫn còn nguyên và cột đâm trâu vẫn mang sứ mệnh là nơi dân làng tiếp xúc với thần linh vào mỗi dịp lễ.

-         Nghệ thuật điêu khắc qua hệ thống tượng tròn độc lập

Qua hệ thống tượng tròn, chúng ta nhận biết được sức sáng tạo của người nghệ nhân là vô cùng, ở mọi tư thế nhân vật, nhóm nhân vật. Mỗi hình hài tác phẩm là một sự giải bày tâm trạng cảm xúc chủ quan nhưng trên cơ sở cái chung nhất là văn hóa sinh hoạt và tín ngưỡng. Thông thường ở dạng tượng này, nhân vật thường có hoạt động rất đổi bình thường như, địu em, địu con, cả những tượng suy tư chống cằm, ngậm tẩu, hay hoạt động giã gạo, làm nghề rèn, thổi tù và hệ thống các con vật gắn với đời sống sinh hoạt văn hóa và tâm linh.

-         Nghệ thuật điêu khắc qua mặt nạ trang trí

Một dạng hình thức trang trí khác đó là những chiếc mặt nạ gỗ. Thường người ta sử dụng mặt nạ này trong tế lễ và được đục nên từ một miếng gỗ có độ bo tròn tỷ lệ bằng đầu người thật có khi lớn hơn một ít. Hai mắt được khoét thủng, có chiếc,  miệng cũng khoét thủng. Toàn bộ để nguyên màu gỗ tự nhiên để lâu ngày lên nước rất đẹp. Tất cả đều được treo ở nhà mồ, trên cột của Gươil và được xem như những vị thần bảo vệ của dân làng giúp xua đuổi ma xấu. Sau này, người ta tạo thêm nhiều dạng mặt nạ và kích thước lớn hơn nhưng được tô màu sặc sỡ nhưng chủ yếu dùng để trang trí là chính.

+ Về phương diện chất liệu tạo hình

Người CơTu có sự đúc kết từ những kinh nghiệm thực tiễn lâu đời để tạo thành một kho tàng tri thức văn hóa bản địa giữa con người với tự nhiên. Chẳng hạn như chất liệu để để làm nên nghệ thuật điêu khắc dân gian CơTu được lấy từ nguyên vật liệu sẵn có từ trong rừng, kết hợp với màu sắc tự nhiên.

Tuy nhiên, để có được những tác phẩm điêu khắc đạt về mặt bố cục, dễ dàng trong quá trình tạo tác thì người nghệ nhân có sự hợp tác của cộng đồng với việc chọn đúng loại gỗ và quá trình định dạng hình của nghệ nhân. Điều này cho thấy, từ sự gắn kết với thiên nhiên, người CơTu còn tìm ra cho mình giá trị sống, và hình thành nên quan niệm thẩm mỹ riêng. Chất liệu gỗ và màu sắc tuy mang tính chất kinh nghiệm của từng thôn, làng khác nhau nhưng mục đích sử dụng đều như nhau và khi hoàn thành công trình giữa mô típ trang trí và màu sắc tạo nên sự hòa đồng. Bản thân những nguyên liệu đó là tự nhiên, nhưng dưới bàn tay của nghệ nhân CơTu, nó không còn là cái tự nhiên thuần túy nữa mà đã trở thành văn hóa. Nói cách khác bằng cách sử dụng các nguyên liệu sẵn có tại nơi cư trú người CơTu đã đồng nhất, hòa mình vào cái tự nhiên để cùng nhau làm giàu thêm vốn tri thức bản địa.

          +Khuynh hướng biến đổi văn hóa tác động đến quá trình bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật điêu khắc dân gian CơTu

“Lịch sử đã chứng minh rằng mỗi nghệ thuật tách biệt với lao động và đấu tranh của quần chúng nhân dân, nó sẽ thành nghèo nàn và khô cạn”(2). Như mọi hình thái ý thức xã hội, nghệ thuật phản ảnh đời sống xã hội bằng phương pháp đặc thù của nó. Nghệ thuật điêu khắc dân gian của người CơTu ra đời và phát triển từ lao động và dần hình thành nên một diện mạo vốn có là cả một quá trình. Đó là đời sống sinh hoạt và không gian văn hóa tâm linh và có tính kế thừa. Nghệ thuật điêu khắc CơTu cho thấy một đời sống xã hội phong phú với phong tục, tập quán và bề dày tri thức bản địa lâu đời, phản ảnh rõ nét trình độ thẩm mỹ và tư duy đã ở trình độ cao, mạch lạc và sống động.

          Có nhiều nguyên nhân tác động làm ảnh hưởng đến việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật điêu khắc CơTu, trong đó khuynh hướng biến đổi văn hóa được xem là nguyên nhân trực tiếp.

 Quá trình giao lưu văn hóa và kinh tế đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào CơTu, nhưng ngược lại, văn hóa tinh thần dễ bị tác động và trong điêu khắc dân gian đã có sự thay đổi quan niệm thẩm mỹ của người nghệ nhân. Khác với tất cả các giai đoạn lịch sử trước kia, quy mô và cường độ giao lưu ảnh hưởng văn hóa đã mở rộng và mạnh mẽ hơn nhiều. Những giao lưu, ảnh hưởng này diễn ra giữa các tộc người trong vùng, giữa người Kinh và các tộc người thiểu số nói chung và đồng bào CơTu nói riêng. Cơ chế tự nhiên của quá trình tiếp cận cái mới vào văn hóa tộc người CơTu là  đan xen, hỗn dung, lựa chọn nay cũng bị đảo lộn và rút ngắn. Bên cạnh điều kiện kinh tế được cải thiện, sự trân trọng văn hóa dân tộc mình, đồng bào CơTu ở các huyện đã có nhiều cố gắng trong giữ gìn những giá trị văn hóa đặc sắc từ kiến trúc đến không gian bao quanh nhà ở được giữ gìn, gia cố, bảo vệ; lễ hội, cưới hỏi, ma chay, phong tục tập quán được giữ gìn dưới nhiều hình thức có ý nghĩa giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ… Tuy nhiên, cùng với những giá trị mang đậm bản sắc dân tộc, trong đó có điêu khắc đang đứng trước những thách thức và có những biểu hiện mai một, biến dạng một cách nghiêm trọng do tư duy, nếp nghĩ, lối sống của thế hệ trẻ. Đặc biệt là hiện tượng mải mê công nghệ, khai thác chủ yếu yếu tố giải trí, thụ động trong lao động sản xuất cũng như khát vọng kế thừa vốn quý do cha ông truyền lại.

Về phương diện chất liệu tạo hình dễ nhận thấy sự thay đổi nhất. Nếu trước đây chỉ sử dụng rìu trong điêu khắc, người nghệ nhân cho ra các tác phẩm mang dấu ấn bản địa sơ khai thì ngày nay với đục, bào và tiếp cận với sản phẩm mỹ nghệ từ miền xuôi nên người Cơtu tạo nên hệ thống những tượng, phù điêu với mặt bề ngoài trơn nhẵn và đề tài thể hiện không ăn nhập gì với văn hóa bản địa nên sức biểu cảm giảm đi rất nhiều.

Bên cạnh thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên của Chính phủ, sự thiếu chu đáo trong việc xây dựng kế hoạch và dự án văn hóa về bảo tồn nguyên bản kiến trúc nhà làng, cũng như sự thiếu giám sát của cấp có thẩm quyền nên phương án trùng tu chuyển hẳn sang vật liệu khác-bằng bê tông, mái tôn nên sự hiện diện của điêu khắc ở một số công trình gần như không còn.

         “Xu hướng phục hồi văn hóa truyền thống đã và đang diễn ra khá mạnh mẽ ở nước ta, ở vùng đồng bằng đô thị nơi người Kinh sinh sống cũng như vùng núi các dân tộc thiểu số”(3). Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “ Xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, có đề ra nhiệm vụ cụ thể để bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ 18 và những đại hội gần đây chủ trương: “ Giữ gìn và phát triển văn hóa các dân tộc miền núi, đẩy mạnh giao lưu văn hóa giữa các dân tộc…”

Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác điền dã, khảo sát và có phương án sưu tầm những tác phẩm đẹp để tiến đến hình thành bộ sưu tập mà các nhà sưu tập tư nhân và bảo tàng Quảng Nam đã làm để trưng bày, phục vụ công chúng tham quan cũng như nghiên cứu. Để điêu khắc CơTu tồn tại và có sức lan tỏa, trước hết cần bảo tồn kiến trúc truyền thống của đồng bào trên cơ sở tri thức dân gian. Đối với công trình đặc thù mang yếu tố văn hóa bản địa và giá trị về kiến trúc nghệ thuật thì cần trùng tu, tôn tạo và phục dựng nguyên bản về kết cấu và chất liệu.

Cần tổ chức thêm các trại sáng tác điêu khắc dành cho các nghệ nhân CơTu như một trại sáng tác điêu khắc cho người CơTu do huyên Tây Giang đã làm trước đây và trong “Ngày hội trình diễn cây Nêu và giao lưu văn hóa các dân tộc Việt Nam” tại huyện Tây Giang trong khuôn khổ Festival di sản Quảng Nam lần thứ VI- Năm 2017, hay trại sáng tác điêu khắc do tổ chức Trung tâm New Space Art Foundation tổ chức ở huyện Nam Đông - Huế nhằm tạo điều kiện để các nghệ nhân có dịp giao lưu, học hỏi góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa.

Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số nói chung và nghệ thuật điêu khắc của người CơTu là trách nhiệm không của riêng ai, trong đó nhà nước có chủ trương về mặt định hướng, hỗ trợ về kinh phí để khuyến khích các nghệ nhân yên tâm sáng tạo và truyền nghề ngay chính không gian văn hóa sinh hoạt và tín ngưỡng của họ thì việc truyền nghề đó mới đạt hiệu quả cao. Đó cũng là hoạt động nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc Việt Nam đến năm 2020” của Thủ tướng Chính phủ. “Những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số được bảo tồn, phát huy và lưu truyền cho các thế hệ, sẽ làm phong phú thêm kho tàng văn hóa của đại gia đình các dân tộc Việt Nam, là nền tảng và động lực để chúng ta xây dựng và bảo vệ đất nước (4)./.

        Chú thích :

            (1)Vũ Khiêu. Từ đâu có nghệ thuật. Cách mạng và nghệ thuật. Nxbtp Hồ Chí Minh - 1979

 (2)Vũ Khiêu. Từ đâu có nghệ thuật. Cách mạng và nghệ thuật. Nxbtp Hồ Chí Minh – 1979

(3)Ngô Đức Thịnhchủ biên ( Viện nghiên cứu Văn hóa). Bảo tồn, làm giàu và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam trong đổi mới và hội nhập. Nxb Khoa học xã hội.

(4) Hồ Xuân Tịnh. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc ở miền núi Quang Nam. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Quảng Nam. Trung tâm quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam năm 2011

Tác giả: Trần Văn Đức

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Tin mới

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BẢO TÀNG TỈNH QUẢNG NAM
Địa chỉ: 281 – Phan Bội Châu, Tam Kỳ, Quảng Nam
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

Tổng số lượt truy cập