Tin tức chung

Cuộc chiến tranh Mậu Ngọ (1858-1860) qua các tài liệu mới (Kỳ 3)

Ngày đăng: 15:47 | 30/08 Lượt xem: 3733

KỲ 3: "CUỘC CHIẾN CÓ THỂ KÉO DÀI HÀNG TRĂM NĂM"

Liên quân Pháp - Tây Ban Nha đã nhanh chóng thiết lập một khu đồn trú trên bán đảo Sơn Trà: “Chúng tôi cũng tiến hành xây dựng 800 mét cầu cống, làm một bến tàu để dỡ hàng; người ta cũng tiến hành đóng sà lan; dựng các lán gỗ để làm bệnh viện có sức chứa 200 giường. Chúng tôi cũng xây một nơi trung chuyển hàng hóa, nhà bến, nhà kho các nhà ở cho sĩ quan, các doanh trại dựng bằng tre nứa và phải mất 6.000 ngày để làm đường nối các địa điểm lại để sử dụng hàng ngày. Tất cả công việc này được thực hiện trong 3 tháng trong một vùng đất đai khó thực hiện, mà buộc phải dùng thuốc nổ để phá đá. Mưa rơi không ngừng ngay giữa tháng 9, làm ảnh hưởng rất nhiều đến công việc, những việc tay chân ở xứ nóng đối với người Âu rất nguy hiểm; đối với binh lính ngủ dưới lều, dầm mưa dãi nắng đêm ngày, nằm dưới bùn đất, và nguy hiểm hơn là bị bệnh dịch: tiêu chảy, kiết lị, scobut, mà có rất nhiều người là nạn nhân” (Tư liệu lịch sử do A. Benoist d’Azy nghiên cứu, về Cuộc chinh phục Nam kỳ của Pháp. Hs số: AB XIX 3970, Lưu trữ Quốc gia Pháp - Pierrefitte sur Seine).

Trong lúc đó, ngay khi quân Pháp tấn công Đà Nẵng, thì vua quan triều Nguyễn đã “sức dân” thực hiện chủ trương “vườn không nhà trống”, bất cộng tác với giặc. Một sĩ quan Pháp ghi lại như sau: “Ngay ngày đầu tiên, các quan lại An Nam đã lệnh cho nhân dân thực hiện vườn không nhà trống. Làng mạc ở Đà Nẵng hoàn toàn đã được di tản; chúng tôi không thể tìm thấy thực phẩm tươi sống cần thiết cho sức khỏe của binh lính ở đây. Đứng giữa nhiều thử thách này, Đô đốc Rigault cũng đang ngã bệnh” (Tư liệu lịch sử do A. Benoist d’Azy nghiên cứu, về Cuộc chinh phục Nam kỳ của Pháp. Hs số: AB XIX 3970, Lưu trữ Quốc gia Pháp - Pierrefitte sur Seine). Báo cáo của Rigault de Genouilly gửi về Pháp cũng xác nhận: “Sáng ngày 6.10.1858, các xà lúp và xuồng của sư đoàn cùng với hai chiếc xuồng của Tây Ban Nha, dưới quyền chỉ huy của Jauré - Guiberry - Thuyền trưởng tàu Gironde, tiến ngược dòng sông hướng về Faifo (tức ngã ba sông Cổ Cò). Hai bên bờ sông không có một bóng người, nhà cửa bỏ không, hoàn toàn vắng lặng!”.

Tính đến ngày 4.9.1858, Đà Nẵng hầu như không còn bóng người dân nào: “Người An Nam đã bỏ lại ngôi làng duyên dáng Đà Nẵng của mình nằm trên 2 bờ sông Hàn, rất gần với các đồn lũy. Những ngôi nhà tranh thật xinh xắn, nằm giữa vườn đầy hoa lá, vùng đồng bằng xung quanh toàn ruộng đất đã được canh tác” (Hồi ký Đại tá Henri de Ponchalon, Đông Dương - Những chuyến đi và các trận chiến (1858 - 1860). Nhà xuất bản Alfred Mame và Fils. Năm 1896). Lệnh cách ly người công giáo và bọn Việt gian phản quốc với quân Pháp của Tự Đức, cùng với kế sách “vườn không nhà trống” tuyệt nguồn lương thực của Nguyễn Tri Phương thực hiện tại Đà Nẵng đã thực sự đẩy quân Pháp vào thế bị “giam lỏng”. Một viên sĩ quan Pháp đã thừa nhận: “Đất đai chúng tôi chiếm được thì dân đều bỏ đi cả, trừ vài nhà tranh của người đánh cá. Tôi chưa hề thấy một con gà nào” (André Bandrit, “Correspondance de Savin de Larelause”, B.S.E.I, T.XIV 3 và 4, Sài Gòn 1939, tr.53). Đó là chưa kể, “Cách đây chừng 4 dặm có một thị trấn (ý chỉ thành phố Đà Nẵng - NV) có trên 20.000 dân, tuy sống trong tình trạng bị đe dọa nhưng lúc nào cũng vui vẻ chờ ngày đánh đuổi chúng ta đi” (André Bandrit, “Correspondance de Savin de Larelause”, B.S.E.I, T.XIV 3 và 4, Sài Gòn 1939, tr.53).

Tuy có đầy đủ uy lực về tàu to, súng lớn, tạc đạn có sức công phá mạnh, lực lượng quân đội tinh nhuệ và hiếu chiến, song liên quân Pháp - Tây Ban Nha không phải muốn làm gì là làm tại mặt trận Đà Nẵng. Mọi nơi, mọi lúc chúng đều bắt gặp sự phản kháng của Nam quân: “Đoàn thuyền của chúng tôi chuyển sang bờ sông đối diện, trên bờ là những khu đất khá rộng, rãi rác những lùm cây. Trong khi đang chờ đợi điều gì nhất định sẽ xảy đến, thì đột nhiên xuất hiện hàng ngàn lính đối phương vọt lên tấn công. Chúng tôi liền bắn trả, một số ngã xuống, một số chạy vào bụi rậm ẩn nấp, rút lui tán loạn” (Nguyễn Phan Quang, “Việt Nam thế kỷ XIX” (1802-1884), Nxb thành phố HCM 1999, tr.318).

Đó là chưa kể, Nguyễn Tri Phương đã sử dụng cách đánh du kích nhằm làm hao quân, tổn tướng của giặc; liên quân Pháp - Tây Ban Nha đi đâu cũng thấy “thấp thoáng lính canh” và các chỉ giấu mình “đang bị đe dọa”. Nhiều tài liệu của người Pháp đã cho ta thấy điều này: “Sáng ngày 6.10, hai bên bờ sông không có một bóng người, nhà cửa bỏ không, hoàn toàn vắng lặng. Đến 10 giờ, bắt đầu xuất hiện một chướng ngại: đó là hai cây cọc khổng lồ cắm sâu dưới nước, chắn ngang dòng sông. Mười lăm phút sau, chướng ngại vật trên bị phá bỏ, nhưng cách đó 100m lại xuất hiện một rào cản mới làm bằng những xà gỗ cắm nghiêng, chụm lại thành hình tháp”. Và “Chúng tôi phát hiện một khu đất hình vuông có lũy tre bao bọc và hai bù nhìn bằng rơm đóng vào giá gỗ, sơn màu hồng nhạt. Người ta có thể nghĩ rằng đây là những bù nhìn được dựng lên để xua đuổi chim chóc, nhưng chúng tôi thì hiểu ngay rằng đó là biểu tượng mà đối phương muốn dành cho số phận của chúng tôi. Cách khu đất này không xa, là một chòi canh chót vót trên ngọn tre. Người gác chòi vẫn ở vị trí của mình, cũng là người đầu tiên chúng tôi phát hiện. Một viên đạn carbine xẹt qua mang tai buộc anh ta phải tụt nhanh xuống đất” (Báo cáo tại Tourane, ngày 7.10.1858, trích từ: Les Grands Dossiers de l’Illustration - L’Indochine * Histoire d’un siècle 1843-1944 (Le Lirve de Paris, 1987 by SEFAG et l’Illustration - Imprimé en Italie par G.Canale et C.S.p.A; Septembre 1994)). Hay: “Trong lúc lính thủy phá đập thứ nhất thì lính Philippines tiến về phía hàng rào tre, thấy một tấm bảng lớn vẽ 2 hình phạt: một người bị đóng đinh vào thánh giá và một người bị đóng nỏ từ hậu môn trở lên. Chúng tôi thấy có mấy người lính của Nam quân đồng phục màu đỏ, nổi lên trên nền đồng ruộng xanh (Hồi ký Đại tá Henri de Ponchalon, Đông Dương - Những chuyến đi và các trận chiến (1858 - 1860). Nhà xuất bản Alfred Mame và Fils. Năm 1896). Đi đến đâu, quân Pháp cũng thấy sự đe dọa của người Việt dành cho mình: “Cánh đồng mọc lên nhiều công sự các loại, những người Việt đã đạt được những tiến bộ trong nghệ thuật chiến tranh. Hôm nay chúng tôi chiếm đóng mảnh đất mà chúng ta đã chinh phục trong trận cuối ngày, nhưng chúng ta chỉ đuổi quân địch được vài trăm thước, vì họ đã lui về ẩn mình trong một phòng tuyến mới (Liên Trì - NV)  trước mặt chúng tôi và họ đã củng cố một cách mau chóng kinh khủng” (André Bandrit, “Correspondance de Savin de Larelause”, B.S.E.I, T.XIV 3 và 4, Sài Gòn 1939). Sự tuyệt vọng của quân xâm lược còn thể hiện rõ hơn: “Để làm gì, khi gây thiệt hại cho họ vài tấc đất hôm nay thì họ sẽ chiếm lại ngày mai... Từ ngày chiếm Đà Nẵng, chúng ta luôn luôn giữ thế thủ trên một bán đảo (Sơn Trà - NV)... Nếu tiếp tục thế này thì cuộc chiến sẽ kéo dài hàng trăm năm” (Lê Trọng Sâm, “Vài suy nghĩ về chiến thuật của Nguyễn Tri Phương, qua một số trận chống thực dân Pháp xâm lược”. Kỷ yếu hội thảo về Nguyễn Tri Phương, Ban KH&KT tỉnh Thừa Thiên  Huế, 1990,  tr.30).

Tác giả: Lưu Anh Rô

Nguồn tin: Báo Quảng Nam

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:

Tin mới

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BẢO TÀNG TỈNH QUẢNG NAM
Địa chỉ: 281 – Phan Bội Châu, Tam Kỳ, Quảng Nam
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

Tổng số lượt truy cập